Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Giao thông Đồng Nai (DGT) thoát lỗ nhờ "chiêu độc"

CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai (UPCoM: DGT) đã thoát lỗ thành công trong năm 2023 khi ghi nhận khoản lãi ròng tăng đột biến.

Lãi ròng kỷ lục, lợi nhuận cốt lõi âm

Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán 2023, DGT ghi nhận doanh thu thuần 214,5 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 151,2 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp thu về 63,3 tỷ đồng, giảm 22%.

Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm lần lượt 20% và 8%, tương ứng 54,9 tỷ đồng và 26,5 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 2 lần lên 49,5 tỷ đồng, chủ yếu do các chi phí quản lý khác tăng từ 6,4 tỷ đồng lên 22,8 tỷ đồng, tuy nhiên không được thuyết minh cụ thể.

Theo đó, nếu chỉ xét riêng hoạt động kinh doanh cốt lõi (Lợi nhuận gộp – chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), đơn vị ghi nhận lỗ hơn 67 tỷ đồng, năm trước cũng lỗ hơn 38 tỷ đồng.

Thế nhưng, DGT vẫn kết thúc năm 2023 với mức lãi ròng kỷ lục 88,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 41,3 tỷ đồng. Giải trình nguyên nhân, công ty cho biết mức lãi tăng mạnh nhờ vào khoản lãi phát sinh từ mua bán công ty con.

Cụ thể, DGT đã mua thêm 49,8% vốn từ 2 thành viên hiện hữu của công ty TNHH Đồng Lợi để nâng tỷ lệ sở hữu từ 50% lên 99,8% trong năm 2023. Tại ngày có quyền kiểm soát, DGT chưa thực hiện việc đánh giá giá trị hợp lý của tài sản thuần liên quan đến khoản đầu tư này mà lựa chọn tính toán các chỉ tiêu hợp nhất dựa trên giá trị ghi sổ.

Do đó, BCTC 2023 ghi nhận khoản lãi phát sinh từ giao dịch mua rẻ nói trên ở mức 98,9 tỷ đồng, góp phần lớn giúp doanh thu tài chính của DGT tăng đột biến từ 4,5 tỷ đồng lên 156,7 tỷ đồng, qua đó “cứu” công ty khỏi tình trạng kinh doanh thua lỗ.

Theo một số chuyên gia tài chính, đây là một trong nhiều “chiêu” thoát lỗ của doanh nghiệp, giúp sổ sách được làm đẹp, tuy nhiên không trực tiếp phát sinh dòng tiền. Các công ty thực hiện hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ có khoản đánh giá lại việc tăng sở hữu, định giá tài sản, qua đó được ghi nhận vào doanh thu theo quy định kế toán.

Về dòng tiền, DGT ghi nhận lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 250,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 231,6 tỷ đồng. Cuối năm, tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp giảm mạnh từ 254,4 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 4 tỷ đồng.

Công ty lãi lớn, lương lãnh đạo giảm

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của DGT ở mức 1.606 tỷ đồng, phần lớn là tài sản ngắn hạn chiếm 88%, tương ứng 1.426 tỷ đồng. Nổi bật là các khoản phải thu ngắn hạn tăng gần gấp đôi đầu năm lên 1.164 tỷ đồng, chiếm 72% tổng tài sản.

Trong năm, danh sách phải thu của DGT xuất hiện những cá nhân mới như bà Nguyễn Ngọc Hà Phương vay 206,4 tỷ đồng, bà Phan Thị Yến vay 110 tỷ đồng. Ngoài ra còn có khoản phải thu về hợp tác kinh doanh từ ông Trương Hiền Vũ 531,6 tỷ đồng, công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Giang Nguyên 66,3 tỷ đồng…

Nhờ những khoản vay này, DGT thu về hơn 57 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2023, đóng góp không nhỏ vào doanh thu tài chính của công ty.

doanh-thu-tc-1712829780.png
Nguồn: BCTC.

Bên cạnh đó, nợ phải trả của công ty giảm 10% về 607,4 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu ở mức 999,1 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.

Dù báo lãi lớn trong năm 2023, nhưng thu nhập của lãnh đạo cấp cao tại DGT lại giảm mạnh so với cùng kỳ. Có thể kể đến như Chủ tịch HĐQT Nguyễn Lâm Tùng nhận 105 triệu đồng, cùng kỳ nhận 360 triệu đồng; Phó Chủ tịch HĐQT Trần Quang Tuấn nhận 94 triệu đồng, cùng kỳ nhận 180 triệu đồng; Tổng Giám đốc Trần Ngọc Minh nhận 212,8 triệu đồng, cùng kỳ nhận 723 triệu đồng…

Sắp tới, DGT dự kiến sẻ tổ chức họp ĐHĐCĐ 2024 vào tháng 05 hoặc tháng 06/2024. Cuộc họp dự kiến tổ chức tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Ngọc Bảo