Từ ngày hôm qua, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin về việc GS Nguyễn Quang Tuấn bắt đầu thực hành tại bệnh viện Hữu Nghị từ ngày 1/7 để được xét cấp chứng chỉ hành nghề trở lại sau 12 tháng.
Theo đó, GS Nguyễn Quang Tuấn (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) phải thực hành lại từ đầu như bác sĩ mới ra trường, để được xét cấp chứng chỉ hành nghề. Ông sẽ phải thực hành trong vòng 12 tháng. Sau khi xong thời gian thực hành có thể làm thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề mới. Khi có chứng chỉ hành nghề mới, ông có thể được quay lại hoạt động khám bệnh kê đơn.
Hiện ông Tuấn đang thực hành tại các khoa thuộc khối nội. Theo quy định, bác sĩ phải thực hành 9 tháng ở khoa nội và 3 tháng theo hồi sức.
Trước đó, ông Tuấn bị tuyên phạt 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Hội đồng xét xử cũng nhận định vi phạm của ông Tuấn không liên quan đến chuyên môn ngành y mà chỉ trong phạm vi quản lý nhà nước. Đây là tình tiết giảm nhẹ đáng kể, cần cân nhắc khi lượng hình, để bị cáo có thể sớm trở về với cộng đồng, tiếp tục đóng góp.
Ông Tuấn không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề thì sau khi ra tù có thể hành nghề ngay sau khi được cấp phép chứng chỉ.
Thông tin về ông “Tuấn tim” đã khiến dư luận chú ý và đặt dấu hỏi, vì sao trên cương vị của một giáo sư, tiến sĩ hàng đầu ngành Y, ông Tuấn vẫn phải xin thực hành lại để được cấp lại chứng chỉ hành nghề?
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật AMI – Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho biết: “Theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 35 và Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 thì người đã được cấp chứng chỉ/giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, nếu bị Tòa án tuyên phạm tội và phải chấp hành hình phạt tù (như trường hợp của GS.TS Nguyễn Quang Tuấn) thì thuộc trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề”.
Luật sư Tín phân tích góc nhìn pháp lý: “GS.TS Nguyễn Quang Tuấn không bị Tòa án tuyên “cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định”. Do đó, sau khi chấp hành xong hình phạt tù (03 năm), GS.TS Tuấn có thể làm hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề nhưng phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo Điểm c Khoản 1 Điều 15 và Điểm b Khoản 5 Điều 33 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, trường hợp của GS.TS Nguyễn Quang Tuấn (nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời gian từ 24 tháng đến 60 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi) thì phải hoàn thành việc thực hành trước khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề.
Trường hợp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời gian 24 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi thì được cấp lại giấy phép hành nghề mà không phải thực hành lại.
Trong thời gian 03 năm không hành nghề (phải chấp hành án phạt tù), GS.TS Nguyễn Quang Tuấn hay bất kỳ ai khác, do không trực tiếp hành nghề trong khoảng thời gian tương đối dài như vậy có thể khiến họ bị “mai một” bớt kỹ năng hành nghề.
Do đó, quy định bắt buộc phải thực hành lại đối với trường hợp nêu trên là tương đối hợp lý, nhằm bảo đảm an toàn trong khám bệnh, chữa bệnh”.
“Có chăng, sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta giảm bớt thời gian thực hành cho những người có học hàm, học vị cao, năng lực đã được kiểm chứng trên thực tiễn hoặc có một cách thức khác, thay vì thực hành trong 12 tháng thì phải vượt qua các bài kiểm tra về thực hành của Hội đồng chuyên môn”, luật sư Tín nêu thêm quan điểm cá nhân.