Ảnh minh họa.
Sở Xây dựng vừa có báo cáo UBND thành phố Hà Nội về công tác chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và hạ tầng trạm sạc xe điện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
VOV.VN cho hay, Sở Xây dựng đề xuất chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho cá nhân là chủ sở hữu xe mô tô, xe gắn máy nhiên liệu xăng hoặc diezel tại các vùng phát thải thấp, khi chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh có giá trị từ 15 triệu đồng trở lên, người dân được hưởng mức hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/xe; đối với hộ cận nghèo là 4 triệu đồng/xe và hộ nghèo là 5 triệu đồng/xe. Mỗi cá nhân được hỗ trợ 1 xe đến hết năm 2030.
Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp nhận ưu đãi với mức lãi suất 3%/năm đến 5%/năm, hạn mức 100% giá trị hợp đồng vay và thời gian vay không quá 5 năm.
Đồng thời, Ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số đối với phương tiện giao thông xanh từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2030. Thành phố cũng quy định mức ưu đãi về giá dịch vụ trông giữ đối với phương tiện giao thông xanh.
Thông tin trên Tuổi trẻ, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất lộ trình thí điểm và mở rộng vùng cấm xe cá nhân chạy xăng/diesel.
Cụ thể, TP hạn chế xe máy chạy xăng từ 1-1-2026 đến 30-6-2026.
Cấm xe máy chạy xăng trong vành đai 1 từ 1-7-2026, trong vành đai 2 từ 1-1-2028.
Hạn chế ô tô cá nhân dùng xăng/diesel trong vành đai 2 từ 1-1-2028; mở rộng ra vành đai 3 từ 1-1-2030.
Từ năm 2035 - 2050, hạn chế xe cơ giới không phải phương tiện xanh theo từng cấp độ.
Cụ thể hạn chế trong vành đai 1 từ 2035, trong vành đai 2 từ 2040, trong vành đai 3 từ 2045 và hạn chế toàn TP từ năm 2050.
TP cũng sẽ thu phí lưu thông và điều chỉnh giá dịch vụ trông giữ sẽ áp dụng theo lộ trình nêu trên đối với xe phát thải gây ô nhiễm.
Đồng thời sẽ tăng cường giám sát, xử phạt bằng việc lắp camera giám sát, tổ chức tuần tra kiểm soát.
Các hành vi vi phạm khí thải hoặc đi vào vùng cấm sẽ bị xử phạt hành chính với mức cao (tối đa gấp 2 lần mức quy định hiện hành).