Đó là căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) với hệ thống hầm ngầm bí mật từng là nơi cất giấu trên 2 tấn vũ khí để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968.

Căn nhà nằm trong con hẻm thông 2 tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần, ngay khu vực đông dân nhộn nhịp, tấp nập ở Quận 3. Chủ căn nhà là ông Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế) đã mất năm 2002, được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2015.
Đón chúng tôi ở cửa căn hầm, bà Đặng Thị Thiệp, vợ của ông Trần Văn Lai đã xúc động kể lại quá trình ròng rã gần 1 năm cùng với chồng đào căn hầm bí mật này để làm cơ sở cất giấu vũ khí, chuẩn bị cho lực lượng Biệt động Sài Gòn tấn công vào Dinh Độc Lập – Tết Mậu Thân năm 1968. “Cái hầm này là do tôi và ông ấy đào. Hồi đó, tôi còn con gái mới mười chín, hai mươi nên khỏe khoắn, trèo lên trèo xuống khiêng đất, đá phụ ông ấy. Gần một năm trời mới xong” – bà Đặng Thị Thiệp kể lại.
Căn hầm có chiều dài 8m, chiều rộng 2m, chiều sâu 2,5m là căn hầm lớn nhất và chứa nhiều vũ khí nhất của Biệt động Sài Gòn.
Theo lời kể của bà Thiệp, khi ấy, để xây dựng một cơ sở chứa vũ khí bí mật ngay gần mục tiêu là Dinh Độc Lập, ngay trong lòng địch, ông Trần Văn Lai đã mua 3 căn nhà liền kề tại khu vực này. “Cấp trên giao nhiệm vụ cho ông ấy mua nhà gần Dinh Độc Lập để làm hầm cất giấu vũ khí. Năm 1965, ông ấy lái ô tô chở tôi đến khu vực này xem nhà để mua. Ngày đó, xung quanh còn hoang sơ lắm, đường đất, nhà cửa lụp xụp chứ không khang trang như bây giờ. Mua nhà xong thì đến năm 1966, 1967 là hai vợ chồng đào hầm. Đào vào ban đêm để tránh tai mắt. Khi cấp trên về kiểm tra hầm tốt, công nhận được thì đến cuối năm 1967 mới bắt đầu vận chuyển vũ khí về”, bà Thiệp cho biết thêm.
Khi đó để vận chuyển vũ khí từ căn cứ về cất giấu trong căn hầm bí mật này, ông Trần Văn Lai trong “vỏ bọc’ là một nhà thầu khoán trong Dinh Độc Lập đã dùng xe ô tô âm thầm chở ba chuyến hơn 2 tấn vũ khí các loại về cất giấu trong hầm. Theo ông Lâm Quốc Dũng, một cựu chiến sĩ quân báo của Biệt động Sài Gòn, ngày đó địch kiểm tra rất gắt gao. Để vận chuyển được vũ khí vào nội ô thì phải cần có “bình phong” để che mắt các chốt kiểm soát. Người vận chuyển cũng phải là người rất gan dạ, vừa mưu trí, linh hoạt nhưng cũng rất dũng cảm, bình tĩnh khi đối mặt với kẻ địch. “Làm được điều đó chỉ có ông Trần Văn Lai. Lúc đó, ông Lai đang làm thầu khoán trong Dinh Độc Lập nên ra vào ngoại thành, dùng xe ô tô chở vũ khí mà không bị nghi ngờ, không bị phát hiện” – ông Dũng cho biết thêm.
Ngày nay, căn hầm là Di tích lịch sử cấp quốc gia thu hút người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Chiều 30 Tết Mậu Thân năm 1968, 17 chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn đã tập kết tại căn nhà của ông Trần Văn Lai, nhận vũ khí, lau chùi để chuẩn bị tấn công vào Dinh Độc Lập. Bà Vũ Minh Nghĩa (tự Chín Nghĩa) là nữ chiến sĩ duy nhất trực tiếp tham gia đánh vào Dinh năm đó kể lại: “Lúc về tới đây, được các anh mở nắp hầm cho xem bên dưới. Tôi hết sức ngỡ ngàng và thán phục. Căn hầm dài khoảng tám mét, rộng hai mét, sâu hai mét rưỡi, chất đầy vũ khí các loại. Từ lựu đạn, thuốc nổ, súng AK, súng B40… hơn 2 tấn”.
Bà Chín Nghĩa cho biết, bà thán phục vợ chồng ông Trần Văn Lai là bởi bà xuất thân từ vùng đất Củ Chi, từng tham gia đào địa đạo nên rất hiểu việc đào hầm vất vả và hiểm nguy như thế nào. Đào hầm ngay giữa lòng địch càng khó khăn và nguy hiểm gấp bội. “Căn hầm không phải là nhỏ lại chứa bao nhiêu là vũ khí. Vợ chồng chú Năm Lai lúc đó đã mạo hiểm tính mạng của chính mình và gia đình để làm nên một kỳ tích như vậy”, bà Chín Nghĩa chia sẻ thêm.
Nhiều du khách nước ngoài đến thăm quan và trải nghiệm tại Hầm chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn.
Sau giải phóng, ông Trần Văn Lai và gia đình đã chuộc lại căn nhà, phục dựng, đồng thời cất công tìm kiếm, sưu tầm, mua lại những hiện vật, tư liệu về Biệt động Sài Gòn về trưng bày, giới thiệu. Mỗi hiện vật là một câu chuyện sinh động, trong đó có quá trình “ngụy trang” vận chuyển vũ khí từ căn cứ về cất giấu trong hầm. Đặc biệt tại đây cũng trưng bày, giới thiệu chiếc ô tô nhãn hiệu Citroen NCE-345 do ông Trần Văn Lai dùng để chở vũ khí và cá chiến sĩ trong Đội 5 Biệt động Sài Gòn đánh vào Dinh Độc Lập.
Theo ông Nguyễn Tiến Đăng, con trai của ông Nguyễn Văn Trí (tức Hai Đô) cho biết, ba ông lúc đó là Chính trị viên, Thủ trưởng đơn vị Bảo đảm chiến đấu A20 –A30 Biệt động Sài Gòn đã chỉ huy việc đào hầm trong nội thành để cất giấu vũ khí chuẩn bị tấn công vào các trụ sở, cơ quan đầu não của Ngụy quyền Sài Gòn. “Căn hầm của chú Năm Lai là hầm lớn nhất, chứa nhiều vũ khí nhất của Biệt động Sài Gòn ngày đó”, ông Đăng chia sẻ.
Năm 1988, căn nhà được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia mang tên Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968. Nơi đây, ngày nay là một trong những “địa chỉ đỏ” thu hút hàng ngàn lượt người dân và du khách đến thăm quan, tìm hiểu lịch sử. Qua đó vừa tuyên truyền, giáo dục về sự hy sinh, gian khổ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà của lực lượng Biệt động Sài Gòn, vừa lan tỏa niềm tự hào về truyền thống yêu nước và truyền lửa cho thế hệ tương lai, gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc.