Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hàng trăm bệnh mạn tính được cấp thuốc 3 tháng/lần từ 1/7, ai cũng cần biết kẻo mất quyền lợi

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, 252 bệnh thuộc 16 nhóm bệnh được kê đơn ngoại trú tối đa 90 ngày.
sk-xep-hang-doi-ke-don-thuoc-read-only-17513835950052103785350-1751424208.jpg
Xếp hàng đợi tới luợt kê đơn thuốc BHYT - Ảnh: THU HIẾN

Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, thông tư Bộ Y tế vừa ban hành có hiệu lực từ ngày 1-7 về quy định về đơn thuốc và kê đơn thuốc ngoại trú, sẽ có 252 bệnh mạn tính được cấp thuốc trên 30 ngày, thay vì tối đa 30 ngày như trước đây. 

Những bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày sẽ do người kê đơn thuốc quyết định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 90 ngày.

Danh mục 252 bệnh này không chỉ gồm các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, rối loạn lo âu, trầm cảm…, mà còn mở rộng sang nhiều bệnh khác như viêm gan vi rút B mạn tính, HIV/AIDS, suy tuyến giáp, suy tuyến yên, rối loạn nội tiết. 

Hay các bệnh máu và miễn dịch như Thalassemia, thiếu máu tan máu, xơ cứng cột bên teo cơ, Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ… Danh mục còn cập nhật thêm một số bệnh phụ khoa ở tuổi vị thành niên như rong kinh tuổi dậy thì.

Ông Vương Ánh Dương - phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết danh mục này được lấy ý kiến từ hơn 20 bệnh viện tuyến cuối thuộc các chuyên khoa như nội tiết, nhi, lão khoa, thần kinh, tâm thần… và sau đó thẩm định qua các hội đồng chuyên môn. 

Ông Dương cũng lưu ý không phải cứ mắc bệnh trong danh mục là sẽ được mặc định cấp thuốc 90 ngày. Bác sĩ sẽ phải đánh giá từng bệnh nhân cụ thể để quyết định số ngày cấp thuốc, có thể là 30, 60 hoặc tối đa 90 ngày.

Một bác sĩ đang công tác tại TP.HCM có hàng chục năm kinh nghiệm cấp phát thuốc cho người bệnh cũng cho hay việc thay đổi thời gian cấp thuốc không chỉ giúp bệnh nhân kéo dài thời gian tái khám, bệnh nhân không mất công đi lại, thời gian, chi phí...mà còn giảm bớt gánh nặng cho bệnh viện và công việc của các y bác sĩ.

Khi số lượng bệnh giảm, bác sĩ có thời gian quan tâm, chăm sóc và hướng dẫn kỹ lưỡng hơn cho người bệnh. Bệnh mãn tính không chỉ là chuyện dùng thuốc mà việc phòng bệnh bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện cũng rất quan trọng. Vì thực tế nhiều bệnh nhân thường than vãn do lượng bệnh nhân đông nên bác sĩ ít có thời gian hỏi han, quan tâm đến người bệnh.

Nhật Hạ (t/h)