Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hệ sinh thái đi lên từ "con nước" của doanh nhân Trương Đình Lam

Các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Trương Đình Lam vì kinh doanh mảng thuỷ điện nên thể hiện sự bấp bênh theo "dòng nước".

Có tới hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện, đại gia thủy điện Trương Đình Lam đang sở hữu một loạt các dự án thủy điện quy mô lớn tại tỉnh Sơn La như nhà máy thủy điện Nậm Pia; Nhà máy thủy điện Nậm Giôn; Thủy điện Sông Lô 4; Thủy điện Nậm Hồng 1&2…

Trong đó, nhà máy thủy điện Nậm Pia là dự án đầu tay của đại gia thủy điện Trương Đình Lam, được khởi công vào năm 2007 và đến tháng 8/2009 đi vào hoạt động với tổng công suất 15MW.

Nhà máy thủy điện Nậm Pia được xây dựng tại Xã Chiềng Hoa huyện Mường La tỉnh Sơn La, có tổng diện tích mặt bằng lên tới 699.359 m2.

Để triển khai xây dựng và phát triển các dự án thuỷ điện trên, ông Trương Đình Lam đã thành lập hàng loạt pháp nhân như Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn, CTCP Thủy Điện Nậm Pia và CTCP Đầu tư và Xây dựng Thủy điện Nậm Hồng.

Hút hàng trăm tỷ đồng từ kênh trái phiếu

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, thông qua các pháp nhân này, hệ sinh thái của ông Trương Đình Lam đã thu hút hàng trăm tỷ đồng từ kênh trái phiếu.

Công ty Cổ phần Thuỷ điện Nậm Pia đang lưu hành lô trái phiếu SNP.BOND.2019 phát hành ngày 30/12/2019 với kỳ hạn 10 năm, tương ứng lô trái phiếu trên sẽ đáo hạn vào ngày 30/12/2029.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị, công trình xây dựng của Nhà máy Thuỷ điện Nậm Pia và toàn bộ quyền thụ hưởng của chủ đầu tư đối với Nhà máy Thuỷ điện Nậm Pia.

Hệ sinh thái đi lên từ "con nước" của doanh nhân Trương Đình Lam- Ảnh 1.

Nhà máy thủy điện Nậm Pia.

Tổng giá trị phát hành của lô trái phiếu trên là 300 tỷ đồng với lãi suất phát hành là 10,5%/năm, trả lãi 3 tháng một lần và sẽ thanh toán gốc một lần khi đến hạn hoặc mua lại trước hạn theo nhu cầu của tổ chức phát hành.

Hiện công ty còn lưu 175 tỷ đồng trái phiếu thuộc lô này tại CTCP Chứng khoán An Bình.

Sang tới năm 2020, Xây dựng và Thương mại Lam Sơn hiện tiếp tục phát hành lô trái phiếu LAMSON.H.20.30.001 vào ngày 29/8/2020, thu về cho doanh nghiệp 230 tỷ đồng tổng giá trị phát hành.

Xây dựng Thương mại Lam Sơn được thành lập năm 1999 trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty TNHH xây dựng và thương mại Lam Sơn.

Hiện, công ty đã mua lại 68 tỷ đồng trái phiếu và lô trái phiếu này chỉ còn 162 tỷ đồng đang lưu hành, được lưu tại CTCP Chứng khoán An Bình với lãi suất phát hành là 9,5%/năm, lô trái phiếu trên sẽ đáo hạn tại ngày 29/8/2030.

Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này bao gồm toàn bộ giá trị nhà máy thủy điện và toàn bộ quyền thụ hưởng của Chủ đầu tư đối với Nhà máy thủy điện Chiềng Công 1&2.

Bước tới năm 2021, thông qua CTCP Đầu tư và Xây dựng Thủy điện Nậm Hồng, hệ sinh thái của doanh nhân Trương Đình Lam tiếp tục thu hút 500 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu.

Cụ thể, pháp nhân này đã phát hành lô trái phiếu NHHCH2131001 với tổng giá trị 250 tỷ đồng vào ngày 28/9/2021 với thời hạn là 10 năm cùng lãi suất 9,8%/năm.

Hệ sinh thái đi lên từ "con nước" của doanh nhân Trương Đình Lam- Ảnh 2.

Nhà máy thuỷ điện Nậm Hồng.

Sau nhiều lần mua lại trái phiếu trước hạn kéo dài từ tháng 12/2021 đến nay, lô này còn 382 trái phiếu đang lưu hành (tương đương 191 tỷ đồng).

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo là toàn bộ giá trị nhà máy Thủy điện Nậm Hồng và các quyền thụ hưởng của chủ đầu tư dự án Nậm Hồng 1 và Nậm Hồng 2. Tổ chức lưu ký tiếp tục là gương mặt quen thuộc của hệ sinh thái là Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình.

Lô trái phiếu áp dụng lãi suất 9,8% cho kỳ tính lãi đầu tiên (12 tháng kể từ ngày phát hành). Các kỳ sau tính theo lãi suất tiền gửi cao nhất của Ngân hàng TMCP An Bình cộng biên độ 3,7%/năm.

Tình hình kinh doanh thất thường theo thời tiết

Gánh trên vai nhiều khoản nợ trái phiếu cần chi trả, tình hình kinh doanh các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Trương Đình Lam vì kinh doanh mảng thuỷ điện nên thể hiện sự bấp bênh theo "dòng nước".

Nửa đầu năm 2023 nắng nóng kéo dài, tình hình thủy văn có nhiều diễn biến bất lợi khiến mực nước ở các hồ thủy điện trên cả nước giảm sâu, phải dừng phát điện, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thủy điện.

Chính vì vậy, "hệ sinh thái" của đại gia thủy điện Trương Đình Lam đều ghi nhận một năm kinh doanh ảm đạm, loạt công ty báo lãi giảm sâu chỉ còn từ vài chục triệu đồng đến nhiều nhất là vài tỷ đồng.

Cụ thể như Thuỷ điện Nậm Hồng lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 chỉ đạt chưa tới 70 triệu đồng, Thuỷ điện Nậm Pia lãi cũng "bốc hơi" gần một nửa xuống chỉ còn hơn 7,6 tỷ đồng và Lam Sơn lợi nhuận cả năm cũng giảm tới 5 lần về mức 6,7 tỷ đồng.

7-1722072091.png
 

Bước sang năm 2024, các doanh nghiệp này mới bắt đầu xuất hiện một số tín hiệu kinh doanh khởi sắc trở lại.

Theo đó, Xây dựng và Thương mại Lam Sơn mới đây báo lãi bán niên năm 2024 đạt hơn 8,8 tỷ đồng, cao gấp gần 12 lần cùng kỳ năm trước.

8-1722072091.png
 

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 1.162 tỷ đồng, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 0,76%. Nợ phải trả của doanh nghiệp tính tới hết quý II/2024 đạt 1.429 tỷ đồng.

Đối với Thuỷ điện Nậm Hồng, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận nửa đầu năm 2024 đạt hơn 1 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ.

9-1722072091.png
 

Vốn chủ sở hữu của Nậm Hồng đến ngày 30/6/2024 đạt 205 tỷ đồng, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 0,51%.

Tổng tài sản của doanh nghiệp tới cuối tháng 6/2024 là hơn 393 tỷ đồng, trong đó có 188,6 tỷ đồng là nợ phải trả.

Nguyễn Hồng Nhung/ Người Đưa Tin