
Ngày 1-7, đại diện ga Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) xác nhận với Tuổi trẻ online, ngành đường sắt đã quyết định tạm hoãn chuyến tàu dự kiến chạy từ Đông Hà ra Đồng Hới vì không đủ khách.
Theo đó, thời gian dự kiến khởi hành của chuyến tàu này là 5h30 sáng 1-7. Đây là chuyến tàu đầu tiên trong kế hoạch đưa đôi tàu DH1 và DH2 vào phục vụ đưa đón cán bộ công chức từ Quảng Trị cũ ra trung tâm tỉnh Quảng Trị mới làm việc mỗi ngày.
Đến tối 30-6, tàu DH2 đã được đưa về ga Đông Hà để sẵn sàng phục vụ hành khách nhưng chỉ có 2 hành khách đặt mua vé, nên ngành Đường sắt Việt Nam quyết định tạm hoãn chuyến tàu.
Một trong hai hành khách đã đặt mua vé cho biết mình đã mua vé chuyến DH2 với giá 105.000 đồng/lượt. Sau đó, nhân viên ga Đông Hà gọi điện thông báo tạm hoãn và hoàn tiền cho hành khách này.
Đại diện ga Đông Hà cho hay có thể thời gian tàu chạy chưa phù hợp, hoặc do hôm nay là ngày đầu tiên hai tỉnh sáp nhập nên cán bộ, công chức, người dân chưa sắp xếp lịch di chuyển.
"Chúng tôi sẽ tạm dừng chuyến tàu đến khi có thông báo mới" - đại diện ga Đông Hà thông tin.
Ở một thông tin khác cũng liên quan vận tải đường sắt, báo Tin tức/TTXVN cho hay, thị trường du lịch xuyên biên giới bằng đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc đang trở thành xu hướng nổi bật, khi số lượng khách du lịch đoàn từ Việt Nam đến Vân Nam tăng mạnh trong năm nay, đặc biệt là thông qua các cửa khẩu như Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam.
Tính đến cuối tháng 6/2025, lượng khách du lịch đoàn từ Việt Nam đến Vân Nam qua cửa khẩu Hà Khẩu đạt con số kỷ lục 27.200 lượt, tăng 74,68% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cho thấy sự thay đổi lớn trong thói quen du lịch của người Việt Nam, khi tàu cao tốc trở thành phương tiện di chuyển chính cho những chuyến du lịch xuyên biên giới.
Với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông và mối quan hệ gắn kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, du lịch xuyên biên giới bằng đường sắt hứa hẹn sẽ tiếp tục là một xu hướng phát triển nổi bật trong thời gian tới, mang lại những cơ hội lớn cho cả hai nước trong việc phát triển ngành du lịch và thúc đẩy giao lưu văn hóa, kinh tế.