Theo tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), dự kiến trong đợt cao điểm nghỉ lễ 30/4, 1/5, các cảng hàng không trực thuộc ACV sẽ khai thác nội địa trên toàn mạng khoảng 9.000 lượt chuyến bay cất, hạ cánh và đón hơn 1,5 triệu lượt hành khách.
Cụ thể, sản lượng khai thác nội địa trên toàn mạng cảng ACV dự kiến khoảng 9.000 lượt cất, hạ cánh, trung bình 1.285 lượt/ngày (tăng 16,5% so với bình quân ngày bình thường tháng 4-2024, bằng 98% so với cùng kỳ 2023).
Sản lượng hành khách ước đạt 1.530.000 lượt hành khách, trung bình 218.600 hành khách/ngày (tăng 15-20% so với ngày bình thường tháng 4-2024, bằng 98% so với cùng kỳ 2021). Trong dó, ngày cao điểm nhất theo tính toán là 1.530 lượt cất, hạ cánh và 260.000 lượt hành khách.
Trong số các cảng hàng không trực thuộc ACV, các ngày cao điểm nhất của dịp nghỉ lễ (ngày 26-4 và 1-5), dự kiến, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đón khoảng 125.000 lượt hành khách/ngày.
Giai đoạn cao điểm từ ngày 26/4 đến 1/5, tổng số chuyến bay đi, đến Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất là 4.280 chuyến (chuyến bay quốc tế 1.602 chuyến và 2.678 chuyến bay nội địa), trung bình có 720 chuyến bay mỗi ngày.
Giá vé máy bay Hà Nội - Tp.HCM hạ nhiệt?
Theo Tiền Phong, sau khi các hãng hàng không tăng chuyến, giá vé chặng bay vàng Hà Nội - Tp.HCM bắt đầu hạ nhiệt, giảm một nửa so với đợt sau Tết Âm lịch.
Theo khảo sát ngày 26/4, tình hình căng thẳng vé máy bay chặng Hà Nội - Tp.HCM bắt đầu hạ nhiệt. Vào ngày 27/4, giá vé máy bay chặng này ở mức 1,8 triệu đồng (chưa tính thuế phí). Trong các ngày nghỉ lễ tiếp theo (từ 28/4-1/5), giá vé chỉ dao động trong khoảng 1,3-1,5 triệu đồng. Ở chiều ngược lại, vé máy bay Tp.HCM - Hà Nội trong ngày đầu tiên nghỉ lễ có giá 2,1 triệu đồng. Vào các ngày tiếp theo, mức chi phí cũng chỉ từ 1,3 - 1,5 triệu đồng.
Đáng chú ý, 2 ngày cao điểm nhất 26/4 và 1/5, dự kiến có 740 chuyến. Sân bay này cũng đón 686.718 hành khách trong cả giai đoạn nghỉ lễ (với 282.842 khách quốc tế và 403.876 khách quốc nội).
Còn tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, ngày cao nhất sẽ có khoảng 94.000 lượt hành khách (trong đó, gần 37.000 lượt khách quốc tế, 57.000 lượt khách quốc nội) và 538 lượt chuyến bay (có 235 lượt chuyến bay quốc tế, 303 lượt chuyến bay quốc nội).
Theo báo Hà Nội Mới mức sản lượng hành khách đợt cao điểm 30/4, 1/5 năm nay ghi nhận tăng nhẹ so với ngày thường, tuy nhiên, vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong khi sản lượng bay nội địa vẫn duy trì ở mức ổn định (tăng khoảng 12% so với ngày thường, giảm 18% so với cùng kỳ) thì sản lượng bay quốc tế tăng trưởng tốt, ngày cao nhất có thể đạt tới 37.000 lượt khách/ngày, vượt qua ngày cao điểm của cùng kỳ năm 2019.
Ngoài Tân Sơn Nhất và Nội Bài, đại diện ACV cho biết, các cảng hàng không có sản lượng tăng cao dự kiến trong dịp lễ 30/4, 1/5 sẽ là những điểm thu hút khách du lịch như: Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Liên Khương, Điện Biên, Đồng Hới, Côn Đảo…
Thông tin trên báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam nhằm phục vụ tốt các chuyến bay tăng cao dịp lễ, các cảng hàng không trực thuộc doanh nghiệp đều đã có kế hoạch chi tiết phục vụ cao điểm như xây dựng nhiều phương án nhằm đảm bảo tạo điều kiện di chuyển thông thoáng cho hành khách đi máy bay; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành hoạt động hiệu quả trong giai đoạn cao điểm; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng để điều tiết, hướng dẫn, phân làn giao thông...
Bên cạnh đó, ACV cũng khuyến khích hành khách làm thủ tục online, hạn chế người nhà ra đưa tiễn tại sân bay; chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân, đọc kỹ các quy định của hãng hàng không về các yêu cầu vận chuyển; chủ động lên sớm trước giờ bay (có mặt trước giờ bay 2 tiếng với chuyến bay nội địa, 3 tiếng với chuyến bay quốc tế); sử dụng các phương tiện vận tải công cộng thay vì sử dụng phương tiện cá nhân đưa đón để giảm áp lực lên sân đỗ ôtô tại các sân bay.
Chi tiết lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay
Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục từ 27/4 đến hết 1/5.
Theo Vietnamnet trước đó, nhận thấy đợt nghỉ lễ có ngày thứ Hai 29/4 (ngày làm việc bình thường) xen vào giữa 2 ngày nghỉ lễ và 2 ngày nghỉ cuối tuần, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hoán đổi nghỉ ngày 29/4 và làm bù sang ngày khác, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục. Chính phủ đã đồng ý với đề xuất này.
Tuy nhiên, với các đơn vị làm việc thứ Bảy, doanh nghiệp sẽ chỉ được nghỉ hai ngày thứ Ba và thứ Tư và không được nghỉ bù. Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của doanh nghiệp làm thứ Bảy sẽ thực hiện theo thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động mà không áp dụng lịch nghỉ vừa được phê duyệt.
Bộ LĐTB&XH khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ lễ 30/4 -1/5 như quy định đối với công chức, viên chức nhưng đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Nếu doanh nghiệp thực hiện nghỉ ngày thứ Hai (29/4), người lao động sẽ được nghỉ liên tiếp 4 ngày từ Chủ nhật (28/4) đến hết thứ Tư (1/5), đồng thời phải đi làm bù vào ngày thích hợp.
Trong trường hợp đi làm vào ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, người lao động sẽ được hưởng lương, thưởng như thế nào?
Theo quy định tại Điều 98 và Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu đi làm đúng ngày 30/4 và Quốc tế lao động thì ngoài tiền lương ngày nghỉ lễ, người lao động còn được trả thêm lương làm thêm giờ. Người lao động sẽ được trả lương làm thêm dịp nghỉ lễ, Tết hoặc ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300% so với lương ngày bình thường.
Tiền lương làm thêm giờ được xác định theo Điều 98 Bộ luật Lao động như sau: Tiền lương làm thêm ban ngày = 300% x đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm. Tiền lương làm thêm ban đêm = 390% x đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.
Như vậy, nếu tính cả lương ngày nghỉ lễ, người lao động đi làm ngày 30/4 và 1/5 được trả lương như sau: Làm việc vào ban ngày, nhận ít nhất 400% lương; làm việc vào ban đêm, nhận ít nhất 490% lương.
Công thức tính tiền lương ngày nghỉ lễ như sau: Tiền lương làm thêm dịp nghỉ lễ 1 ngày = tiền lương 1 ngày + 300% lương ngày.