Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

“Khuyên” học sinh không thi vào 10: "Dù dưới hình thức nào cũng đều vi phạm luật"

Ở góc nhìn pháp lý, luật sư cho rằng: “Việc các nhà trường, giáo viên ngăn cấm không cho học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập dù dưới hình thức nào thì cũng đều vi phạm, trái quy định của Luật giáo dục”.

Tháng 6 ghi dấu kỳ thi quan trọng với nhiều học sinh khắp cả nước, đó là kỳ thi vào lớp 10, năm đầu tiên bậc THPT - đóng vai trò định hướng nghề nghiệp, lựa chọn bước đi cho tương lai.

Sự quan trọng đó khiến mỗi kỳ thi hằng năm đều đáng chú ý và có một số vấn đề “đến hẹn lại lên” như việc "khuyên" học sinh không thi vào lớp 10. Sự việc xôn xao tại trường Trung học cơ sở TiếnThiết và Nghi Quang (Nghi Lộc, Nghệ An); Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, TPHCM);…

ep-hoc-sinh-khong-thi-vao-10-1716540031.jpg
Học sinh và giáo viên Trường THCS Tiến Thiết (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) trong lễ tổng kết năm học. Ảnh: Trường THCS Tiến Thiết.

Chủ trương định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp đã thực hiện trong những năm qua và có thể việc “khuyên” như đã nói ở trên xuất phát từ trách nhiệm của người thầy đối với học sinh. Tuy nhiên, ở góc nhìn pháp lý, luật sư cho rằng, đó là vi phạm quyền của học sinh.

Trao đổi với PV, luật sư Lê Thanh Bình - Công ty Luật FDVN cho biết: Điều 39 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã nêu rõ không chỉ trẻ em mà mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ học tập.

Quyền lợi của trẻ em được nhà nước bảo hộ, Điều 16 Luật Trẻ em 2016 cũng quy định trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục, không ai có quyền tước đoạt dưới bất kỳ hình thức nào.

“Do đó, việc khuyên học sinh không thi lớp 10 có thể được xem là vi phạm quyền được học tập của trẻ em và đi ngược lại với Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành”, luật sư Bình nói.

Vị luật sư nói thêm: “Dù trẻ em có thành tích học tập yếu kém hay xuất sắc thì việc tác động tâm lý “tiêu cực” bằng cách “khuyên” học sinh không thi vào lớp 10 đang gián tiếp ngăn cản trẻ em thực hiện quyền được học tập của mình và có thể gây hệ lụy xấu trong xã hội bởi trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng như các cơ quan có thẩm quyền có liên quan và gia đình cần mạnh mẽ hơn trong việc chăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi khuyên học sinh không thi vào lớp 10 và có những chương trình trao đổi thực tế với học sinh giúp các em phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, thay đổi cách học tập theo hướng tích cực, phù hợp hơn”.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Sương cho rằng: “Việc “khuyên”học sinh không thi vào lớp 10 là vi phạm quyền học tập của công dân”.

Vị luật sư chỉ rõ, hiện nay, công tác phân luồng sau cấp THCS là đúng và cần thiết, tuy nhiên nhà trường, thầy cô cần có trách nhiệm thông tin đầy đủ, chính xác tới học sinh về các quy định liên quan công tác tuyển sinh lớp 10 và phải định hướng cho học sinh hiểu rõ; cũng như trao đổi với phụ huynh về kết quả học tập của các em học sinh để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.

Điều này nhằm bảo đảm quyền lợi tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập của học sinh, khi các em đủ điều kiện, có nguyện vọng.

“Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân theo Điều 13, Luật Giáo dục 2019 như sau: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.

Quyền của học sinh được quy định tại Điều 35 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của học sinh, cụ thể là học sinh bình đẳng trong việc hưởng thụ giáo dục toàn diện, được bảo đảm những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập ở lớp và tự học ở nhà, được cung cấp thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình, được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hóa, thể thao của nhà trường theo quy định.

Việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh, mỗi học sinh đều có quyền học tập được tham gia kỳ thi để cọ sát, cũng như khẳng định khả năng, năng lực của bản thân, kết quả rèn luyện trong quá trình học tập, để có định hướng trong tương lai. Việc các nhà trường, giáo viên ngăn cấm không cho học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập dù dưới hình thức nào thì cũng đều vi phạm, trái quy định của Luật giáo dục”, luật sư Sương nêu.

“Để chấn chỉnh vấn đề này, các Sở, phòng ban ngành các địa phương cần phải quán triệt và chỉ đạo, xử lý nghiêm việc khuyên, ngăn cấm học sinh yếu kém không thi vào lớp 10. Việc quyết định đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT hay không là do học sinh và cha mẹ các em quyết định. Nhà trường, giáo viên phải tôn trọng quyền lợi, tạo điều kiện để các em đăng ký thi lớp 10 công lập nếu có nguyện vọng”, vị luật sư nói thêm.

 

Nhật Hạ