
Luật sư Hoàng Văn Hà – Giám đốc Công ty Luật ARC Hà Nội phân tích các nghĩa vụ pháp lý cần tuân thủ trong hoạt động kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam.
Theo Khoản 1, Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP, hoạt động TMĐT là “Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.” . Điều này có nghĩa, bất kỳ ai bán hàng qua website, sàn TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki...) hoặc mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo...) đều bị điều chỉnh bởi pháp luật TMĐT – bất kể quy mô lớn hay nhỏ đều phải đăng ký/Thông báo – không thể “làm chui”
Luật sư Hà nhấn mạnh: "Rất nhiều cá nhân và thậm chí cả doanh nghiệp không biết rằng, việc lập website bán hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp đều phải thông báo với Bộ Công Thương theo quy trình tại Thông tư 47/2014/TT-BCT. Trong khi đó, nếu vận hành sàn giao dịch TMĐT, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký, đáp ứng nhiều nghĩa vụ pháp lý hơn nữa."
Ngay cả việc bán hàng qua Facebook hay TikTok, tưởng như đơn giản, cũng có thể được xem là hoạt động TMĐT, từ đó phát sinh nghĩa vụ hiển thị đầy đủ thông tin người bán, hàng hóa, giá bán, chính sách đổi trả – theo đúng quy định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.
Nghĩa vụ thuế – đừng nghĩ “online thì vô hình”. Không chỉ dừng ở khía cạnh đăng ký, hoạt động TMĐT còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật thuế. Theo Luật Quản lý thuế 2019, các cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm từ kinh doanh TMĐT phải đăng ký mã số thuế, kê khai và nộp thuế GTGT, thuế TNCN. Đối với doanh nghiệp, nghĩa vụ thuế còn bao gồm sử dụng hóa đơn điện tử và kê khai định kỳ như các mô hình kinh doanh truyền thống.
“Khônh có chuyện bán hàng online là ‘vô hình’ với cơ quan thuế nữa” – Luật sư Hà cho biết thêm. “Hiện nay, ngành thuế đang áp dụng nhiều biện pháp thu thập thông tin từ ngân hàng, sàn giao dịch và nền tảng mạng xã hội. Việc trốn thuế trong TMĐT là rủi ro rất lớn và dễ bị xử phạt”.
Hậu quả pháp lý: Phạt tiền, đóng cửa, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy vào mức độ vi phạm, hành vi sai phạm trong lĩnh vực TMĐT có thể bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, buộc dừng hoạt động, thu hồi lợi nhuận thu được bất hợp pháp, và trong những trường hợp nghiêm trọng như lừa đảo, trốn thuế có tổ chức, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự.
Theo Luật sư Hoàng Văn Hà, TMĐT là cơ hội kinh doanh linh hoạt, chi phí thấp, dễ tiếp cận khách hàng – nhưng đi kèm với đó là nguy cơ “bước hụt pháp lý” nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức. Ông khuyến nghị “Đừng để sự thiếu hiểu biết về pháp luật trở thành rủi ro cho hoạt động kinh doanh online của bạn. Hãy đảm bảo rằng mọi kênh bán hàng – từ website, sàn TMĐT đến mạng xã hội – đều tuân thủ pháp luật. Bao gồm việc thông báo/đăng ký với cơ quan chức năng, kê khai thuế, và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.”
Công ty Luật ARC Hà Nội – Đồng hành pháp lý cùng doanh nghiệp thời đại số nếu bạn đang hoặc chuẩn bị tham gia vào lĩnh vực TMĐT, đội ngũ luật sư của Công ty Luật ARC Hà Nội sẵn sàng đồng hành với bạn.