Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ký ức không quên của anh hùng LLVT 5 lần bắn rơi máy bay Mỹ

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Lộc thì những ký ức về một thời khói lửa chưa bao giờ nhạt phai trong tâm trí. Những trận đánh, hay từng “con chim sắt” của Mỹ - Nguỵ bốc cháy cứ dần hiện về trong trí nhớ dù ông đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”…

Viên đạn đầu tiên bắn cháy máy bay, bắt sống giặc lái

Những ngày cuối tháng Tư, căn nhà ấm cúng của Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Nguyễn Quang Lộc ở tổ dân phố Tô Hiệu, phường Đống Đa, Tp. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc luôn có những vị khách đặc biệt ghé thăm. Không chỉ có đồng đội chiến đấu năm xưa mà nhiều bạn trẻ cũng đến để nghe ông kể về các trận đánh của một thời khói lửa.

Nhấp ngụm nước, ông Lộc chầm chậm lật giở từng trang “Nhật ký chiến trường” đã nhuốm màu thời gian, được ông ghi lại một cách chi tiết từ ngày đầu nhập ngũ. Ông kể lại: “Năm 1971, lúc này tôi vừa học xong lớp 10 (khi đó ông Lộc mới 18 tuổi), đúng vào thời điểm giặc Mỹ leo thang ném bom giết hại rất nhiều đồng bào, chiến sĩ của ta. Chính vì thế, lứa thanh niên chúng tôi hăng hái, sục sôi muốn lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc”.

loc-2-1714448847.jpg

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quang Lộc (đứng giữa hàng đầu) cùng đồng đội dâng hương tại Nhà thờ Bác Hồ (tỉnh Vĩnh Phúc).

 

Ngày lên đường nhập ngũ, ông Lộc cũng chẳng biết đến bao giờ chiến tranh mới kết thúc. Nhưng, người chiến sĩ trẻ tuổi ngày ấy cũng tự hứa với lòng mình, nếu chiến tranh kết thúc, ông sẽ tiếp tục hoàn thiện giấc mơ học đại học để nâng cao kiến thức, góp phần xây dựng đất nước sau đằng đẵng mấy chục năm trời bom đạn tàn phá.

Bước chân vào quân ngũ, ông Lộc được điều về Đại đội 3, Tiểu đoàn 172, Quân chủng Phòng không - Không quân. Trong quá trình huấn luyện, tân binh Nguyễn Quang Lộc được chuyển sang huấn luyện chuyên sâu cho khí tài tên lửa vác vai A72. Nhờ những kiến thức đã học như tính toạ độ, góc…cũng như sự chỉ bảo của các chuyên gia Liên Xô, ông Lộc được giao nhiệm vụ xạ thủ chính trong những kíp bắn của đơn vị.

Kết thúc quá trình huấn luyện tân binh, tháng 2/1972, đồng chí Nguyễn Quang Lộc cùng đơn vị hành quân tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, tại Bình Phước, ngày 13/5/1972, trận đánh đầu tiên của đời quân ngũ, ông Lộc đã lập chiến công xuất sắc, bắn hạ một chiếc máy bay AD6 của Mỹ, bắt sống tên đại úy phi công.

Nhớ lại thời khắc lịch sử đó, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quang Lộc hào hứng kể cho chúng tôi nghe: “Ngày 12/5/1972, ngay sau khi nhận được nhiệm vụ, tổ bắn của chúng tôi lập tức vào trận địa, chuẩn bị phương án tác chiến. Tuy nhiên, lúc này từng tốp máy bay Mỹ - Nguỵ kéo đến ném bom rất rát và có những chiến thuật rất khác biệt. Nói thật, lúc đó chúng tôi rất nóng ruột và muốn điểm hoả ngay, tuy nhiên do điều kiện chưa thuận lợi nên đành phải cắn răng chờ thời điểm. Sang ngày 13/5, phát hiện 1 tốp máy bay AD6 vào trận địa ném bom, kíp bắn của chúng tôi quyết tâm tiêu diệt bằng được một trong những chiếc máy bay đó. Bằng những kỹ thuật được học, tôi lập tức xác định toạ độ mục tiêu. Nắm được đường bay của chiếc AD6, ở giây thứ 12, tôi lập tức phóng đạn. Chỉ trong chớp mắt, chiếc AD6 cháy rực trên bầu trời Bình Long. Nó hệt như một bó đuốc rực sáng trên bầu trời mịt mù khói bom đạn. Cùng với đó là một chiếc dù đã bung mang, ở trên có tên giặc lái Phạm Văn Huệ”.

Đến khoảng 10h ngày hôm sau, kíp bắn của ông Lộc tiếp tục bắn cháy một chiếc máy bay trinh sát của địch mang tên OVIO, góp công lớn cho chiến dịch Nguyễn Huệ.

Cũng theo lời cựu chiến binh Nguyễn Quang Lộc, dường như địch đã nắm được chiến thuật của ta, nên “giặc lái” đã thay đổi tác chiến, cố tình bay thấp, hoặc triệt để lợi dụng các đám mây để ẩn nấp. Hoặc có lúc chúng bay liên tục, rồi cua gấp để tránh làn đạn phòng không…

Nhưng với sự quyết tâm, ông Lộc và đồng đội vẫn tiếp tục nghiên cứu và giáng cho địch những đòn chí mạng. Ngày 11/11/1972, ông tiếp tục bắn rơi chiếc máy bay thứ 3 của địch tại Bến Tranh, Dầu Tiếng. Ngày 18/12/ 1973, một lần nữa chiếc máy bay L19 của Mỹ - Nguỵ lại bị Anh hùng Nguyễn Quang Lộc bắn cháy trên bầu trời thị trấn Kiến Đức, nay là thị xã Kiến Đức (Đắc Nông).

loc-1-1714448782.jpg

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quang Lộc và tác giả.

 

9h30 ngày 29/4/1975, một máy bay C119 của địch bay lượn nhiều vòng trên bầu trời, liên tục bắn pháo hiệu và hỏa lực xuống đội hình ta. Tuy nhiên, chiếc cánh bằng ma mãnh này đã lọt vào tầm ngắm của chiến sĩ A72 Nguyễn Quang Lộc. Và, một tiếng nổ như sấm rền khiến nó tan xác ngay trên bầu trời Sài Gòn sau cú nhấn cò chính xác của ông. Đây là chiếc máy bay chỉ huy đang tìm cách ngăn chặn đà tiến công của quân giải phóng.

Với chiến công 5 lần bắn hạ máy bay Mỹ - Nguỵ, ngày 26/4/2018, ông Nguyễn Quang Lộc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Nhiệm vụ đặc biệt và ký ức không quên ngày giải phóng

Do lập nhiều chiến công xuất sắc, tháng 5/1974, chiến sĩ Nguyễn Quang Lộc là một trong số các xạ thủ A72 được giao nhiệm vụ phối hợp với Lữ đoàn Đặc công biệt động Rừng Sác. Nhận được nhiệm vụ, 1 tháng trời ông và các đồng đội vượt đèo, xuyên rừng bất kể ngày đêm để đến đảo Long Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu).

Kể lại với chúng tôi, ông Lộc cho hay, thời điểm này Mỹ - Nguỵ bị quân ta đánh rát ở nhiều mặt trận, nên chúng điên cuồng bắn phá hòng làm giảm nhuệ khí của quân ta. Để đảm bảo an toàn, bí mật ông Lộc và đồng đội chỉ hành quân vào ban đêm. “Nhiều lần quân địch bắn pháo sáng, nhóm của chúng tôi cứ ngỡ là địch đã phát hiện được vị trí. Nhờ nguỵ trang tốt, tôi và đồng đội đã đến được đảo Long Sơn an toàn”, ông Lộc nhớ lại.

Tháng 2/1977 với mong muốn tiếp tục được đi học, ông Nguyễn Quang Lộc chuyển ngành, đi học tại Tiệp Khắc (cũ). Về nước, ông công tác tại Công ty Cấp thoát nước Vĩnh Phúc, rồi đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Nhà máy nước huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nghỉ hưu năm 2009.

Sau nhiều ngày phục kích, ngày 10/3/1975, nhóm phục  kích của chiến sĩ A72 Nguyễn Quang Lộc lại nhận được lệnh hành quân thần tốc về Sài Gòn. Ngày 14/4/1975, ông cùng đồng đội đã có mặt tại huyện Củ Chi. Tiếp đó, ngày 24/4/1975 đơn vị của ông đã có mặt tại Gò Vấp (gần sân bay Tân Sân Nhất) để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Theo Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quang Lộc, thời điểm chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng của Dinh Độc Lập, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh đầu hàng, ông vẫn chưa hề hay biết. Lúc đó, ông và đồng đội của mình vẫn trực chiến tại trận địa chờ chỉ thị của chỉ huy. Tuy nhiên, ít phút sau thấy nhân dân đổ xuống đường hò reo vẫy cờ thì ông mới biết miền Nam được giải phóng. “Tôi và đồng đội ôm nhau khóc trong sung sướng bởi vì ngày giải phóng cuối cùng đã đến, Nam Bắc sum họp một nhà và không còn cảnh bom đạn xương máu nữa”, người lính phòng không xúc động chia sẻ.

Nguyễn Bắc