Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Làm thế nào để nhận bồi thường bảo hiểm do bão Yagi?

Theo luật sư Trương Thanh Đức, đối với thiệt hại do thiên tai, chỉ những khách hàng đã đăng ký bảo hiểm có mở rộng phạm vi bảo vệ cho thiên tai, bão lũ mới được xem xét bồi thường.

Hầu hết tổn thất do bão đều nằm trong điều khoản bồi thường

Vừa qua, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có Công văn số 1202/QLBH-PNT gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do bão số 3 gây ra.

Theo đó, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức - Luật sư Giám đốc Công ty Luật ANVI, không phải cá nhân, doanh nghiệp nào bị thiệt hại trong bão Yagi đều được bảo hiểm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra.

Làm thế nào để nhận bồi thường bảo hiểm do bão Yagi?- Ảnh 1.

Luật sư Trương Thanh Đức.

Ông Đức cho biết, việc xác định thiệt hại do bão Yagi có thuộc trường hợp được yêu cầu bảo hiểm hay không phải tùy thuộc vào doanh nghiệp, cá nhân có tham gia những loại hình bảo hiểm thiên tai hay không và các khoản mục hợp đồng bảo hiểm chi tiết được ký kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm với tổ chức, cá nhân cụ thể.

Để được bảo hiểm bồi thường, khách hàng cần phải tham gia các gói bảo hiểm tài sản hoặc bảo hiểm thiên tai trước đó.

Đối với thiệt hại do thiên tai, chỉ những doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký bảo hiểm có mở rộng phạm vi bảo vệ cho thiên tai, bão lũ mới được xem xét bồi thường, những thiệt hại không có trong điều khoản hợp đồng, sẽ không được chi trả.

Còn theo ông Phan Quốc Tuấn - CEO Viện Phát triển Nguồn nhân lực Bảo hiểm, việc bồi thường thiệt hại sẽ tùy thuộc vào điều khoản bảo hiểm và điều khoản loại trừ căn cứ theo hợp đồng bảo hiểm.

Trước khi bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ xem xét xem tổn thất bị gây ra bởi cái gì, nguyên nhân từ đâu. Căn cứ khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, nếu rơi vào điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định, công ty bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

"Tính đến hiện tại, những tổn thất do bão số 3 gây ra như lũ, ngập nước, cây đổ… hầu hết đều nằm trong điều khoản bồi thường nên nhìn chung các tài sản sẽ đều nhận được bồi thường bảo hiểm. Trừ trường hợp có những điều khoản đặc biệt khác được quy định trong hợp đồng bảo hiểm", ông Tuấn nhận định.

Cần lưu ý gì để được nhận bồi thường bảo hiểm?

Để đảm bảo quyền lợi đầy đủ trong quá trình nhận bồi thường bảo hiểm do thiệt hại của bão số 3, Luật sư Trương Thanh Đức lưu ý, người mua bảo hiểm khi gặp thiên tai, thiệt hại thì đầu tiên phải gọi điện cho người phụ trách đã bán bảo hiểm cho mình.

Thứ hai, cần gọi điện lên tổng đài của công ty bảo hiểm để họ nắm bắt quá trình xử lý hồ sơ của mình. Ghi nhận bằng chứng hiện trường về tài sản bị hư hại như quay phim, chụp ảnh, lập biên bản ghi nhận thiệt hại…

Trong trường hợp cấp bách thì phải ghi lại bằng chứng dưới sự chứng kiến của cán bộ phường, xã, tổ chức đoàn thể, người làm chứng khác… thay cho thủ tục thông thường. Quá trình này cũng phải mất một thời gian nhất định, không thể lập tức có thể chi trả hay đánh giá để bồi thường được.

Làm thế nào để nhận bồi thường bảo hiểm do bão Yagi?- Ảnh 2.

Ông Phan Quốc Tuấn - CEO Viện Phát triển Nguồn nhân lực Bảo hiểm.

Ông Phan Quốc Tuấn thông tin thêm, thông thường, trong hợp đồng bảo hiểm tài sản sẽ có những điều khoản tạm ứng bồi thường.

Cụ thể, ngay khi tổn thất xảy ra, đơn vị bán bảo hiểm sẽ xác định nguyên nhân để chi trả, bồi thường, tạm ứng cho khách hàng tối đa 50% số tiền bồi thường. Sau khi hoàn tất các thủ tục, khách hàng sẽ được thanh toán nốt số tiền còn lại.

Mức giá trị bồi thường cụ thể sẽ được thực hiện theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết giữa khách hàng và công ty bảo hiểm.

Đối với trường hợp nhận bồi thường bảo hiểm xe cơ giới, ông Tuấn cho biết, đa phần người mua bảo hiểm đều sẽ mua đúng giá trị của xe, nên tổn thất bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu.

Thông thường, tại các hợp đồng bảo hiểm sẽ quy định giá trị tổn thất vượt quá 75% sẽ tính là tổn thất toàn bộ. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ trả toàn bộ chiếc xe và tiến hành thu hồi lại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký Công điện số 92 ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong đó yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.

Theo thông tin từ hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến ngày 10/9, đã có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã tiến hành thống kê thiệt hại của khách hàng để tiến hành bồi thường như Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 210 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước số tiền bồi thường là 320 tỷ đồng; BIC ghi nhận gần 500 vụ tổn thất với tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng…

Nguyễn Thị Thu Hương/Người đưa tin