Nhận định đầu tư
Chứng khoán Đông Á (DAS): Nhà đầu tư có tâm lý hiện thực hóa lợi nhuận khi VN-Index gặp kháng cự vùng đỉnh cũ. Thanh khoản thấp và khối ngoại bán ròng là những áp lực đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, có những thời điểm lực cầu nỗ lực đẩy giá lên nhưng tổng kết phiên cho thấy, bên bán đang áp đảo với số lượng mã cổ phiếu giảm giá nhiều hơn số lượng cổ phiếu tăng giá.
Khi chỉ số đã tăng hơn 60 điểm chỉ trong vòng 5 phiên và thị trường chưa có tin tức hỗ trợ mới thì khả năng điều chỉnh là có thể xảy ra. Để quản trị rủi ro khi chỉ số ở vùng đỉnh cũ, nhà đầu tư có thể đóng các trạng thái giao dịch ngắn hạn. Đối với nhà đầu tư trung dài hạn, quan tâm các cổ phiếu ngân hàng, công nghệ, khu công nghiệp và bán lẻ.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): VN-Index hình thành mẫu nến giảm điểm thân đặc đi kèm thanh khoản gia tăng, cho thấy áp lực bán trở lên quyết liệt hơn tại quanh ngưỡng kháng cự gần - vùng xuất hiện lượng cung lớn với nhiều phiên phân phối.
Mặc dù rủi ro xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh còn hiện hữu, chỉ số sẽ có nhiều cơ hội chinh phục ngưỡng kháng cự quanh 1.300 điểm đến từ xu hướng tăng điểm ngắn hạn vẫn đang được bảo toàn. Nhà đầu tư được khuyến nghị trải qua lại các vị thế trading gối đầu khi VN-Index hoặc các mã mục tiêu điều chỉnh về các vùng hỗ trợ gần.
Chứng khoán Asean (Aseansc): Triển vọng trung và dài hạn của thị trường rất tích cực, nhà đầu tư nên giữ tỉ trọng ổn định, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh và triển vọng lợi nhuận tốt.Nhịp rung lắc biên độ lớn hơn trong ngắn hạn (trên vùng 1.260 điểm) sẽ là cơ hội cơ cấu danh mục.
Khuyến nghị đầu tư
- TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam): Trung lập. Giá mục tiêu 1 năm là 26.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn 19% so với hiện tại.
Theo SSI, mặc dù tiềm năng tăng giá khá cao, nhưng đà tăng trưởng lợi nhuận có thể chậm lại trong 2 quý tới có thể ảnh hưởng đến sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân đối với cổ phiếu TCB.
Trong nửa cuối năm 2024, sự hồi phục của thị trường bất động sản Tp.HCM có thể chậm hơn dự kiến. Trong khi đó, thị trường này chiếm khoảng một nửa tỉ trọng dư nợ cho vay của TCB đối với ngành bất động sản. Do đó, TCB có khả năng sẽ ưu tiên ổn định chất lượng tài sản hơn là cố gắng mở rộng NIM thông qua cơ chế định giá linh hoạt.
Theo đó, ban lãnh đạo dự kiến sẽ kiểm soát nợ xấu ở mức 1,2% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, NIM có thể sẽ thu hẹp xuống mức 4,18% trong năm 2024 theo quan điểm của SSI.
SSI điều chỉnh giảm nhẹ ước tính lợi nhuận năm 2024 và 2025 lần lượt đạt 27.800 tỷ đồng (tăng 21,5% so với cùng kỳ) và 32.300 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ).
Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: Thị trường bất động sản phục hồi chậm hơn dự kiến, và tỉ lệ hấp thụ của các dự án mới từ nhóm khách hàng lớn của TCB yếu hơn dự kiến.
Yếu tố hỗ trợ tăng đối với khuyến nghị: Khi TCBS thực hiện IPO sẽ dẫn tới việc định giá lại giá trị của khoản đầu tư vào TCBS của TCB.
Quan điểm ngắn hạn: SSI dự báo lợi nhuận của TCB sẽ không tăng mạnh trong ngắn hạn vì lợi nhuận trước thuế nửa cuối năm 2024 dự kiến ở mức tăng 5% so với cùng kỳ (so với mức tăng tăng 39% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024).
- MBS (CTCP Chứng khoán MB): Chờ mua.
MBS gần đây đã ra nghị quyết triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - dự kiến kết thúc chào bán có thể thu về khoảng gần 600 tỷ đồng - điều này giúp nâng cao năng lực của công ty trên thị trường.
Ngoài ra, MBS là một trong những công ty chứng khoán có thể được hưởng lợi nếu thông tư non-prefunding được áp dụng do có sự hỗ trợ lớn từ ngân hàng mẹ MB và thị phần môi giới nằm trong top 10 trên HoSE và HNX.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu vẫn đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử. Nhà đầu tư nên chờ cơ hội cổ phiếu điều chỉnh để tích lũy dần.