Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Lấy 4.600 tỷ ngân sách nhà nước "cứu" BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn?

Theo đề xuất, giải pháp tối ưu nhất để "cứu" Dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn khỏi nguy cơ vỡ phương án tài chính là sửa đổi hợp đồng, bổ sung khoảng 4.600 tỷ đồng vốn Nhà nước.

Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100-Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500 (hay còn gọi là dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn) đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa vào Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất áp dụng giải pháp sửa đổi hợp đồng và bổ sung vốn ngân sách Trung ương.

Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ vốn Ngân sách Trung ương cho dự án với số tiền khoảng 4.600 tỷ đồng như đề nghị của doanh nghiệp dự án nhằm bù đắp dòng tiền thâm hụt trong thời gian thu phí hoàn vốn đảm bảo phương án tài chính (khi đó thời gian hoàn vốn của dự án còn khoảng 28 năm 7 tháng).

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện việc cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho dự án.

Như vậy, so với phương án đề xuất hồi cuối tháng 3/2024 của UBND tỉnh Lạng Sơn, số tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đã giảm khoảng 1.000 tỷ đồng. Để đảm bảo “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa các bên, nhà tài trợ vốn thống nhất điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm phê duyệt nhưng không quá 31/7/2025, từ 10,5%/năm xuống 9,5%/năm.

Đồng thời điều chỉnh lãi suất cơ sở và biên độ tại công thức tính lãi suất cho vay tại hợp đồng tín dụng như sau: lãi suất cơ sở được xác định bằng lãi suất huy động tiết kiệm, trả lãi sau, kỳ hạn 12 tháng được bên cho vay thông báo vào ngày xác định lãi suất; biên độ 3,5%/năm. Phía nhà đầu tư cũng thống nhất sẽ giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu từ 11,5% xuống 11%.

Ngoài giải pháp sửa đổi hợp đồng và bổ sung vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư, nhà tài trợ vốn cũng cân nhắc 2 phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khác là tiếp tục thực hiện theo hợp đồng và chấm dứt hợp đồng.

Đối với phương án thực hiện theo hợp đồng, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết đây là phương án được UBND tỉnh Lạng Sơn áp dụng trong gần 5 năm vừa qua. Nếu tiếp tục thực hiện theo phương án này thì không cần bổ sung vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án nhưng tồn tại hàng loạt các hạn chế rất khó xử lý.

Đối với giải pháp chấm dứt hợp đồng, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dự án cần bố trí khoảng 11.267 tỷ đồng để thanh toán các chi phí mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã thực hiện sẽ giải quyết được ngay các khó khăn, vướng mắc của dự án.

Việc bố trí 11.267 tỷ đồng trong giai đoạn hiện nay sẽ gây áp lực tương đối lớn lên ngân sách nhà nước, mặt khác các nhà đầu tư cũng sẽ có thiệt hại khi đầu tư không có lợi nhuận và phía ngân hàng cung cấp tín dụng cũng sẽ không thu được phần lãi vay chưa trả từ giai đoạn đưa vào vận hành khai thác dự án cho đến nay, dẫn tới mất vốn tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Như vậy, giải pháp chấm dứt hợp đồng là khó khả thi do sẽ tạo áp lực lớn lên ngân sách nhà nước, đồng thời gây thiệt hại cho cả phía Nhà nước và Nhà đầu tư.

Như vậy, trong số 3 phương án được đặt ra thì chỉ có giải pháp sửa đổi hợp đồng và bổ sung vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ mới có thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án; đồng thời đảm bảo dự án tiếp tục được thực hiện.

Nguồn Vietnamfinance