Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Lấy ý kiến dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi.

104147993-1725528705.jfif

Ảnh minh họa.

11 hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công

Theo dự thảo, 11 hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công gồm: Một, Quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đối với chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Hai, quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; quyết định đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chương trình, dự án không đúng với các nội dung về mục tiêu, quy mô, địa điểm, cơ cấu nguồn vốn, vượt tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công.

Ba, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Bốn, chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà thầu dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân và của cộng đồng.

Năm, đưa, nhận, môi giới hối lộ.

Sáu, yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bảy, sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.

Tám, làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.

Chín, cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án.

Mười, cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.

Mười một, cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.

Lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công

Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với các mục tiêu phát triển tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phương hướng hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hằng năm của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt, kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm.

Phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác; bảo đảm cân đối vĩ mô, ưu tiên an toàn nợ công.

Việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công trong từng giai đoạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ưu tiên bố trí vốn cho các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ theo mục tiêu và định hướng phát triển của từng thời kỳ; các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài của từng thời kỳ.

Bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng.

Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư, tạo quyền chủ động cho Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Kế hoạch đầu tư công hằng năm phải phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, ngoại trừ kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên.

Dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài

Dự thảo cũng đề ra một số quy định trong việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, quản lý kế hoạch vốn đầu tư nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Dự thảo nêu rõ, các dự án thực hiện trình tự, thủ tục đối với Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và Dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo.

Chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi phải đảm bảo các điều kiện quyết như: Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài từng thời kỳ.

Phù hợp với Quyết định phê duyệt Đề xuất dự án của cấp có thẩm quyền. Không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư. Phù hợp với khả năng huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi tại thư quan tâm hoặc văn bản cam kết tài trợ của đối tác phát triển. Phù hợp với khả năng vay, trả nợ công, nợ Chính phủ và nợ chính quyền địa phương; Bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững và phù hợp với các yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài.

Theo dự thảo, các nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và giao, thực hiện kế hoạch đầu tư công đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài bao gồm: Thời hạn bố trí kế hoạch vốn nước ngoài và vốn đối ứng của dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo thời hạn giải ngân tại điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài và quy định về thời hạn giải ngân của nhà tài trợ nước ngoài.

Kế hoạch vốn nước ngoài do ngân sách trung ương cấp phát được giải ngân độc lập, không phụ thuộc vào kế hoạch, dự toán ngân sách được giao của các nguồn vốn khác.

Đối với dự án dừng thực hiện hoặc điều chỉnh giảm tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thu hồi phần kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương đã giao không sử dụng về phần kế hoạch chưa phân bổ.

Về căn cứ xác định khả năng bố trí tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách trung ương của cả nước trong kỳ trung hạn tiếp theo, dự kiến tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn sau không vượt quá 120% của giai đoạn trước.

Không áp dụng quy định về phân bổ theo cơ cấu ngành, lĩnh vực.

Dự thảo nêu rõ, Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Dự thảo Luât Đầu tư công sửa đổi đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân/.

Bảo Linh/ Bộ Kế hoạch và Đầu tư