Quý II/2024 báo lỗ kỷ lục
Theo báo cáo tài chính quý II/2024, STK ghi nhận doanh thu thuần 303,2 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp chỉ thu về 9,7 tỷ đồng, giảm 84%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính có phần cải thiện khi đem lại cho STK hơn 8 tỷ đồng, tăng 37%; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tiết giảm lần lượt 49% và 18%, về mức hơn 2 tỷ đồng và 13,5 tỷ đồng.
Trái lại, chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng gấp 5,19 lần lên 57,6 tỷ đồng, trong đó 3,6 tỷ đồng là chi phí lãi vay, kéo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh xuống mức âm 55,3 tỷ đồng.
Trừ đi thuế và các chi phí khác, STK báo lỗ ròng 55,5 tỷ đồng, trong khi quý II/2023 lãi 37,4 tỷ đồng, qua đó ghi nhận quý lỗ kỷ lục của doanh nghiệp. Lần gần nhất STK báo lỗ đã từ quý IV/2016 với khoản lợi nhuận ròng âm 13,9 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, STK đạt 568,9 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ sau thuế 54,8 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra trong năm, công ty đã thực hiện được khoảng 21% mục tiêu doanh thu.
Giải trình nguyên nhân, lãnh đạo STK cho rằng lợi nhuận quý II/2024 âm chủ yếu do doanh số bán thấp và việc ghi nhận chi phí ngưng máy vào giá vốn hàng bán vì trong kỳ, công ty ngưng nhiều máy nhằm hạn chế gia tăng hàng tồn kho trong bối cảnh nhu cầu thị trường yếu.
Vay nợ tăng cao, giá cổ phiếu sụt giảm
Tính đến cuối tháng 06/2024, tổng tài sản của STK tăng 20% lên 3.574 tỷ đồng. Trong đó nổi bật là các khoản phải thu ngắn hạn giảm 63% về 166,7 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 18% về 507,5 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn tăng gấp đôi lên 1.761 tỷ đồng.
Phía bên kia bảng cân đối, tổng nợ của doanh nghiệp tăng 43% lên 1.933 tỷ đồng, chủ yếu do vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng vọt từ 409,1 tỷ đồng lên 968,7 tỷ đồng. Đây là khoản vay dài hạn nhằm bổ sung vốn cho dự án nhà máy Unitex.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên sáng 22/07, giá cổ phiếu STK đang được giao dịch ở mức 32.250 đồng/cp, giảm khoảng 7% so với cuối tuần trước.