“Con chỉ cần cố thêm một chút"
Trao đổi với PV ĐS&PL, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai hương (Hà Nội) chia sẻ câu chuyện về bệnh nhân 14 tuổi mắc rối loạn lo âu, trầm cảm vì áp lực từ chính phụ huynh.
Theo chia sẻ từ người mẹ, cậu bé Nguyễn Ngọc Minh (14 tuổi) suốt những năm qua trong mắt chị, Minh luôn ngoan ngoãn, không đòi hỏi gì, không than phiền gì, cũng không bao giờ gây rắc rối.
Với mẹ, Minh là niềm tự hào, mẹ luôn nghĩ con trai chỉ là đứa trẻ ít nói. Bởi Minh học trường chuyên, điểm toán cao nhất lớp, luôn được thầy cô khen ngợi.
Mẹ thường nói: “Con chỉ cần cố thêm một chút, sau này sẽ không khổ như mẹ”. Và Minh gật đầu, im lặng, như mọi khi.
“Cứ nghĩ con ngoan, ai ngờ con đang gãy vụn từng ngày…”, là câu mẹ cậu thốt lên khi gặp bác sĩ Thu.
Bỗng một ngày mẹ Minh dần phát hiện, cậu đi học về luôn đóng chặt cửa phòng, ngồi hàng giờ nhìn chằm chằm vào tập vở, tay run run cầm cây bút mà không viết được gì. Một ngày nọ, Minh ngất trong lớp. Bác sĩ chẩn đoán, Minh bị suy nhược.

Nam sinh rơi vào rối loạn lo âu từ áp lực phụ huynh tạo nên. Ảnh minh họa
Khai thác bệnh sử, được biết gần 2 năm qua cậu bé luôn thức đến 2-3h. Minh thường xuyên xuất hiện những cơn đau đầu, những cảm giác tim đập loạn nhịp mỗi khi nghe tiếng động, mồ hôi vã ra, sợ hãi khi nghĩ đến buổi kiểm tra sắp tới.
“Cậu bé học ngày, học đêm không phải vì yêu thích, mà vì sợ. Sợ mẹ buồn. Sợ cô mắng. Sợ bạn chê cười. Sợ bản thân không đủ tốt. Đêm nào cũng vậy, khi cả nhà đã ngủ, bệnh nhân vẫn ngồi trước bàn học, tay run run cầm bút, lòng trống rỗng. Thậm chí có nhiều lần cậu bé chỉ muốn biến mất để không ai phải phiền vì sự tồn tại của mình nữa”, BS Thu chia sẻ khi khai thác tâm lý bệnh nhân.
Bệnh nhân được chẩn đoán là rối loạn lo âu, trầm cảm mức độ nhẹ. Nếu tiếp tục chịu áp lực, có thể sẽ nặng hơn. “Mẹ bệnh nhân rất bất ngờ. Chị chưa từng nghĩ con mình cần chữa trị tâm lý, chỉ nghĩ cố gắng và kỷ luật là đủ”, BS Thu cho hay.
Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Hồng Thu bắt đầu trị liệu tâm lý hàng tuần, học cách nhận diện cảm xúc, giải tỏa áp lực, học cách thở sâu, viết nhật ký cảm xúc, và nói ra nỗi sợ. Cùng đó cả mẹ và bệnh nhân cùng được hướng dẫn thư giãn, tạo những khoảng thời gian không học, không kỳ vọng…
“Sau thời gian điều trị, cả mẹ và bệnh nhân đều thay đổi theo hướng tích cực. Minh ngày căng thấy tự tin hơn. Mẹ Minh cũng thay đổi hẳn, chị học cách lắng nghe con, buông bỏ áp lực, và chấp nhận: con trai mình không cần phải là số 1. Con chỉ cần được sống bình yên, hạnh phúc và hiện cậu bé “không còn sợ đến trường nữa”, BS Hồng Thu chia sẻ.
Rối loạn lo âu ở người trẻ tăng cao
Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai hương cho biết, bác sĩ thường xuyên tiếp nhận nhiều người trẻ, trong đó có cả học sinh, sinh viên, đến khám và được phát hiện mắc chứng rối loạn lo âu.
Theo thống kê, tại Việt Nam có tới 29% trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần nói chung. Phổ biến nhất về vấn đề sức khỏe tâm thần chính là rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu có nhiều hình thái khác nhau như: trẻ con chịu nhiều áp lực học tập, kỳ vọng từ cha mẹ...
"Nhiều trẻ đến khám trong tình trạng hoảng loạn, thậm chí còn có ý định tự sát. Thế nhưng các bậc phụ huynh thì chỉ quan tâm đến điểm số, luôn kỳ vọng con phải hơn người khác. Nhiều cha mẹ đưa con đi khám cho có, sau đó vẫn theo "vết xe đổ" khiến tình trạng con trẻ ngày càng trầm trọng", BS Thu liệt kê.

BS Trần Thị Hồng Thu
Theo BS Hồng Thu lo âu kéo dài làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch như tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, bệnh mạch vành. Do đó, các bệnh nhân rối loạn lo âu sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim nhiều hơn. Lo âu mãn tính có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và bệnh lý khác. Ngoài ra, lo âu có thể dẫn đến trầm cảm, tạo vòng luẩn quẩn. Gây khó ngủ, mất ngủ, hoặc giấc ngủ không yên, làm giảm chất lượng sống và sức khỏe tổng thể.
Nguyên nhân dẫn đến trẻ em ngày càng mắc rối loạn lo âu bao gồm: Các yếu tố nhận thức và học tập; các yếu tố sinh học, thần kinh; yếu tố di truyền và các yếu tố xã hội, môi trường.
Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm bệnh và biết nơi điều trị để đưa trẻ đến thăm khám, tư vấn. "Ngoài ra vai trò của phụ huynh cũng vô cùng quan trọng, trong việc phòng tránh rối loạn lo âu ở trẻ. Phụ huynh nên điều chỉnh hoạt động, lối sống ở trẻ; cần tập luyện thể thao thường xuyên, khoảng 30 phút/ngày; ăn uống đủ chất; ngủ đúng giờ, đủ 8-10 tiếng/ngày tùy lứa tuổi; tập yoga hoặc thư giãn tinh thần; giải quyết các vấn đề gây lo lắng ngay từ ban đầu; tập thở thư giãn 4 thì (hít vào 3 giây, nín thở 3 giây, thở ra 3 giây, giữ 3 giây), nâng cao các kỹ năng đối phó với căng thẳng và các kỹ năng xã hội", BS Thu lưu ý.