Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Đời sống và Pháp luật đưa tin Theo Maeil Business Newspaper, một phiên tòa phúc thẩm mới đây đã được tổ chức tại Tòa án cấp cao Gwangju (Hàn Quốc) vào ngày 22/7 để xét xử một người mẹ 40 tuổi ở Hàn Quốc có hành vi sát hại hai con gái sinh đôi 7 tháng tuổi do áp lực một mình chăm con. Cô A bị cáo buộc tội danh giết người.
Cụ thể, vào khoảng 8h30 sáng ngày 18/11/2024 (giờ địa phương), A đã sát hại hai con gái sinh đôi 7 tháng tuổi tại nhà riêng ở Ungcheon-dong, thành phố Yeosu, tỉnh Jeolla Nam, Hàn Quốc. Vụ việc xảy ra ngay sau khi chồng A đi làm. Đến khoảng 12h40 cùng ngày, A đã đến cơ quan công an tự thú.
Thi thể hai bé gái được tìm thấy tại hai phòng ngủ khác nhau trong nhà. Tại cho quan chức năng, A khai nhận với cảnh sát đã dùng chăn để gây án. Qua quá trình điều tra, cảnh sát cho biết A thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với chồng.
Người phụ nữ phải một mình gánh vác việc chăm sóc con cái, dẫn đến trầm cảm và căng thẳng tột độ, cuối cùng đã gây ra bi kịch đau lòng này. Tòa án nhận định hành vi sát hại 2 đứa trẻ vô tội đang ngủ say là rất nghiêm trọng và đáng bị lên án mạnh mẽ.
Tuy nhiên, tòa cũng xem xét đến các yếu tố như, bị cáo rơi vào trạng thái trầm cảm cực độ do áp lực kinh tế, khó khăn trong quá trình mang thai và sinh nở, cùng với việc bị chồng trách móc về cách nuôi dạy con cái.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chồng của A (với tư cách là người bị hại) đã có mặt và cầu xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho vợ. Anh nghẹn ngào nói: "Tôi cảm thấy mình mới là người có tội. Tất cả là lỗi của tôi. Tôi đã quá coi thường bệnh trầm cảm của vợ và không hề chia sẻ gánh nặng với cô ấy".
Anh kể lại những lời mình đã từng nói với vợ: "Nuôi con thì có gì mà khó, anh đi làm vất vả hơn nhiều. Nếu em không muốn nuôi thì cứ bỏ đi, anh tự nuôi được." Người chồng cũng thừa nhận đã từng có hành vi bạo lực với vợ. Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, anh đã vô cùng hối hận và liên tục xin lỗi vợ.
"Tôi vẫn chưa thể dọn dẹp đồ đạc của các con. Tôi luôn cầu xin sự tha thứ từ các con và nói với chúng rằng tất cả là lỗi của bố", người chồng chia sẻ thêm. Phiên tòa phúc thẩm thứ hai dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/8 tới.
Ở Việt Nam, trên website của Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM, TS. BS. Lê Thị Thu Hà, khoa Khám bệnh, có chỉ ra cách nhận biết sớm chứng trầm cảm sau sinh.
Cụ thể là các biểu hiện như:
Suy nhược cơ thể
Nhiều sản phụ cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ. Những phụ nữ suy nhược này có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với công việc nhà. Họ không buồn tắm rửa, chải chuốt.
Lo lắng
Những bà mẹ suy yếu thường hay có nhiều mối lo, thường là về sức khỏe bản thân. Có thể họ cảm thấy đau dữ dội ở đâu đó nhưng bác sĩ lại chẳng tìm ra nguyên nhân. Thường là đau ở đầu và ở cổ. Những người khác lại đau lưng, đau ngực, có thể là do các vấn đề về tim. Bà mẹ có nhiều than phiền về sức khỏe đến nỗi điều này càng làm cho họ stress thêm.
Triệu chứng thường gặp nhất là đau một vùng nào đó trên cơ thể và cảm giác bị bệnh. Những triệu chứng này sẽ trở nên trầm trọng nếu không được chữa trị.
Bà mẹ nhiều khi cảm thấy căng thẳng và thiếu tự tin khi ra khỏi nhà. Họ thậm chí khó có thể gặp gỡ những người bạn thân, từ chối trả lời điện thoại hay thư từ. Trong trường hợp này, người mẹ thường không đến bác sĩ nên gia đình cần mời bác sĩ đến nhà.
Hoảng hốt
Người mẹ có thể cảm thấy hoảng hốt đối với những tình huống xảy ra hằng ngày, và khó có thể bình tĩnh lại. Vì thế, tốt nhất là giúp họ tránh những tình huống mà họ bị stress.
Căng thẳng
Căng thẳng thường đi kèm với trầm cảm. Những bà mẹ bị căng thẳng thường bị trầm cảm nặng nề hơn. Họ thường khó có thể thư giãn được, nhiều khi có cảm giác như muốn nổ tung ra. Loại căng thẳng này là một triệu chứng của trầm cảm, không thể giải quyết bằng thuốc an thần được. Phụ nữ uống thuốc an thần không nên thất vọng vì không làm việc được. Nếu chuyển sang một số dạng thuốc khác ít tính phụ thuộc hơn thì sẽ tốt.
Cảm giác bị ám ảnh
Bà mẹ bị trầm cảm thường hay bị ám ảnh, có thể về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó. Vài người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ. Những nỗi sợ này là triệu chứng thường gặp của trầm cảm, có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi. Điều này thường không có nguyên do, nhưng nếu người mẹ sợ ảnh hưởng đến con mình thì nên báo với gia đình và bác sĩ.
Mất tập trung
Một bà mẹ trầm cảm thường khó tập trung đọc sách, xem TV hay trò chuyện bình thường. Họ sẽ cảm thấy trí nhớ sao mà kém quá, và đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ. Họ có thể ngồi đó không làm gì, chỉ nghĩ rằng họ cảm thấy rất tồi tệ.
Rối loạn giấc ngủ
Thường người bị trầm cảm rất khó ngủ. Họ có thể thao thức đến gần sáng, hoặc không ngủ được tí gì. Vài người ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được.
Nhiều bà mẹ cảm thấy stress hơn vào buổi tối, nên bị mất ngủ lâu dài. Lúc này bác sĩ thường kê toa thuốc ngủ, nhưng đôi lúc dùng liều cao vẫn không hiệu quả. Trong trường hợp này, bà mẹ sẽ cảm thấy thất vọng hơn. Quan trọng là chữa được trầm cảm thì sẽ ngủ lại được bình thường. Tốt nhất là nên có người giúp mẹ cho bé bú vào buổi tối.
Tình dục
Mất hứng thú tình dục có thể xảy ra đối với các bà mẹ trầm cảm sau sinh, thường kéo dài một thời gian, nên các ông bố cần thông cảm và hiểu rằng đây chỉ là triệu chứng của bệnh. Hứng thú tình dục sẽ trở lại khi mẹ hết trầm cảm. Các ông bố nên kiên nhẫn và cố gắng an ủi vợ hồi phục khỏi trầm cảm sau sinh.
Cách giúp mẹ cảm thấy thoải mái bao gồm đụng chạm nhẹ, ôm ấp và vuốt ve, sẽ tốt cho cả hai.
Triệu chứng tâm lý
1. Tâm trạng buồn bã
2. Giảm hứng thú hoạt động
3. Cảm thấy vô dụng hay tội lỗi
4. Khó tập trung hoặc không quyết đoán
5. Thường nghĩ đến cái chết và tự tử
6. Thay đổi khẩu vị và tăng hoặc giảm cân
7. Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
8. Suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm
9. Mệt mỏi, thiếu sinh lực
Về điều trị bệnh trầm cảm sau sinh, bác sĩ Thu Hà cho biết, cần kết hợp hỗ trợ từ người thân, điều trị bằng thuốc, tìm tới các chuyên gia tư vẫn và đặc biệt là vai trò của bản thân.
"Điều quan trọng nhất là bạn phải tin tưởng rằng mình sẽ tốt hơn, bạn cần sự kiên nhẫn và nhận thức rằng sự phục hồi sẽ đến sớm. Bạn nên biết đau và nhức là xuất hiện khá nhiều ở phụ nữ bị bệnh trầm cảm sau sinh, và đó không phải là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng. Nhiều phụ nữ nghĩ rằng nhức đầu do u não, đau ngực do bệnh tim, vì vậy nó làm cho bệnh trầm cảm nặng nề hơn. Hãy thư giãn và quên đi đau đớn thì căn bệnh trầm cảm sẽ dần dần tan biến.
Hãy nghỉ ngơi nhiều bởi vì sự mệt mỏi sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Tránh thức khuya và hãy nhờ người khác cho con bú. Đừng quên ăn uống đầy đủ vì nếu hạ đường huyết cũng sẽ làm cho bệnh nặng nề hơn. Nên ăn nhiều trái cây và rau quả khi bạn cảm thấy đói. Nên uống viên đa sinh tố mỗi ngày.
Đừng ép bản thân làm những điều mình không thích hoặc những điều gây khó chịu", bác sĩ cho biết.