Tôi và Hằng yêu nhau hơn một năm trước khi quyết định về chung một nhà. Khi ấy, cô ấy thực sự là mẫu phụ nữ khiến đàn ông bị cuốn hút: thẳng thắn, bản lĩnh và quyến rũ. Hằng hơn tôi hai tuổi, là trưởng phòng nhân sự của một công ty lớn, quen biết rộng và luôn biết cách làm chủ mọi cuộc trò chuyện.
Cô ấy có chính kiến trong mọi việc và luôn khiến tôi có cảm giác được yêu chiều, được "chăm sóc" như một đứa trẻ. Tôi từng nghĩ, mình sẽ được nương tựa cả đời vào sự mạnh mẽ đó. Nhưng rồi tôi nhận ra, chính sự chăm chút ấy lại là khởi đầu cho chuỗi ngày sống trong căng thẳng và kiểm soát đến nghẹt thở.
Ngay sau khi kết hôn, Hằng bắt đầu đưa ra những quy định không lời: không được nhắn tin với đồng nghiệp nữ sau 9 giờ tối, phải về nhà trước 7 giờ, nếu đi ăn với công ty thì phải gửi ảnh và bật định vị. Ban đầu tôi nghĩ đó là thói quen "thương nên kiểm tra" của người vợ mới. Nhưng mức độ ngày càng tăng dần.
Cô ấy kiểm tra điện thoại tôi mỗi đêm. Facebook, Zalo, Gmail, thậm chí cả lịch sử ứng dụng gọi xe hay ví điện tử, chỉ cần có gì liên quan đến nữ giới, cô ấy sẽ soi mói, phân tích và quy kết.
Ảnh minh họa.
Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm khi tôi đi công tác ba ngày ở Đà Nẵng. Vì lịch làm việc dày đặc, tôi không gọi video mỗi tối như thường lệ. Đêm thứ hai, cô ấy gọi hơn 20 cuộc, gửi cả trăm tin nhắn. Vừa bước chân vào nhà, tôi còn chưa tháo giày thì đã bị tạt thẳng ly nước cam vào mặt.
“Anh nghĩ tôi ngu chắc? Ở khách sạn một mình mà không gọi video? Chắc chắn anh đã ngủ với ai rồi!” – cô ấy gào lên.
Tôi chưa kịp phản ứng thì đã bị đẩy vào tường, xé áo sơ mi rồi bị lôi lên giường trong sự giận dữ. Hằng tin rằng, nếu “giữ” tôi bằng cách đó đủ chặt, tôi sẽ không còn sức mà nghĩ đến ai khác.
Từ sau vụ đó, đời sống chăn gối giữa chúng tôi biến thành nỗi ám ảnh. Bất kể tôi mệt mỏi, say rượu hay đang sốt cao, Hằng vẫn ép buộc tôi “thực hiện nghĩa vụ”. Có đêm, tôi chỉ mong được ngủ sớm để chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng ngày mai, nhưng cô ấy thản nhiên nói: “Ngủ với tôi còn không nổi thì sức đâu mà ngủ với gái bên ngoài?”
Cô ấy còn ghi chép lại số lần gần gũi, so sánh tuần này với tuần trước, tháng này với tháng trước. Với cô ấy, chuyện chăn gối là thước đo cho lòng trung thành và công cụ để giữ chồng.
Kinh khủng hơn, cô ấy lắp camera khắp nhà, kể cả trong phòng ngủ. Tôi phản đối nhưng cô ấy biện minh là để chống trộm. Thế rồi, mỗi khi tôi ra khỏi nhà, cô ấy sẽ xem lại camera, soi từng chi tiết: tôi nói chuyện với ai, nhìn màn hình bao lâu, có cười không...
Một lần, vì tay ướt nên tôi đặt điện thoại lên bàn trong lúc rửa bát. Hằng xem lại đoạn đó, zoom từng khung hình rồi hỏi: “Lúc đó anh cười với ai trong điện thoại? Sao nhìn màn hình tận ba phút mà không gõ gì?”
Cô ấy còn từng giả vờ đi công tác rồi nửa đêm quay về, kiểm tra gầm giường, tủ áo, ngửi khăn mặt, gối nằm, lược chải đầu... Chỉ để chắc chắn rằng tôi không lén đưa ai về nhà.
Tôi sút 5kg chỉ trong hai tháng. Mất ngủ triền miên, căng thẳng đến phát ban. Nhưng cô ấy vẫn ôm tôi mỗi đêm, thì thầm: “Em chỉ sợ mất anh thôi”.
Tôi từng khuyên Hằng đi gặp chuyên gia tâm lý, nhưng cô ấy gạt đi: “Tôi có bệnh thì anh đi luôn đi. Yêu như vậy là bình thường.”
Tôi đã nhiều lần nghĩ đến ly hôn, nhưng rồi lại chùn bước khi nhìn con gái bé bỏng. Tôi sợ con tổn thương, sợ cuộc chia tay không êm đẹp, sợ cả việc Hằng sẽ làm điều dại dột.
Tôi từng hỏi bạn thân: “Tôi không hiểu mình sai ở đâu. Tôi không ngoại tình, không phản bội. Vậy sao lại bị đối xử như một kẻ có tội?”
Bạn tôi chỉ nói một câu: “Cậu không sai. Nhưng cậu đang bị nhốt trong một cái lồng mang tên tình yêu. Mà cái lồng đó, ở càng lâu càng khó thoát.”
Đêm qua, tôi ngồi ở ban công đến gần sáng. Nhìn vợ ôm con ngủ say, tôi chỉ thấy một khoảng trống lớn trong lòng. Tôi không biết đến bao giờ mình mới lại có tự do, được sống như một con người đúng nghĩa, chứ không phải một “nghi phạm” trong chính cuộc hôn nhân của mình.
Tình yêu đích thực không đến từ sự kiểm soát, nghi ngờ hay chiếm hữu. Nếu phải giữ người mình yêu bằng nỗi sợ, bằng nước mắt, bằng cả thể xác, thì đó không còn là tình yêu. Hôn nhân không phải là cuộc rượt đuổi giữa kẻ giam cầm và người tìm cách thoát thân. Nó phải là nơi cả hai được là chính mình, tự do, tin tưởng và bình yên.