Tôi từng nghĩ, vợ là người mạnh mẽ, sâu sắc và biết điều. Nhưng không, mỗi khi có mâu thuẫn, cô ấy lại giận dỗi và bỏ đi như một đứa trẻ. Đó không phải là một, hai lần mà là cả một “thói quen” kéo dài suốt nhiều năm hôn nhân.
Lần đầu tiên cô ấy bỏ về nhà ngoại là khi con thứ hai của chúng tôi mới 8 tháng tuổi. Mẹ tôi có nói vài lời khó nghe trong bữa cơm, tôi thì đang bận dỗ con đang khóc. Vợ bất ngờ đứng dậy, xách túi, bế con, rồi bắt taxi đi mất. Tôi ngỡ cô ấy chỉ đi loanh quanh cho hạ hỏa, nào ngờ đến tối vẫn không thấy về. Điện thoại tắt máy, nhắn tin cũng không trả lời.
Hôm sau, tôi phải chạy hơn 30km đến nhà ngoại. Vợ lạnh nhạt như người xa lạ. Tôi xin lỗi thay mẹ, năn nỉ cô ấy quay về. Mẹ vợ còn phải lên tiếng bảo: “Chuyện nhỏ, con không nên để bụng”. Nhưng vợ tôi vẫn nhất quyết không nhượng bộ. Phải đến ngày thứ tư, tôi mới đưa được vợ con về.
Tôi hiểu, trong hôn nhân, chỉ cần một người không chịu xuống nước thì tổ ấm có thể tan vỡ bất cứ lúc nào. Nhưng điều tôi không ngờ là, từ đó trở đi, “bỏ đi” dường như trở thành vũ khí mặc định của vợ tôi trong mỗi lần xung đột.
Ảnh minh họa.
Chúng tôi có thêm đứa con thứ ba. Cô ấy vẫn tiếp tục "đi", khi thì về nhà bố mẹ, khi thì sang nhà chị gái, em trai. Có lần cãi nhau chuyện rất nhỏ, cô ấy cũng biến mất. Dù tôi đúng hay sai, cô ấy vẫn dùng một cách xử lý duy nhất: rời bỏ.
Tôi từng hỏi cô ấy: “Em định dạy con thế nào khi cứ giận là bỏ đi? Em nghĩ như vậy là tốt cho con à?”
Cô ấy đáp rất nhẹ tênh: “Em không muốn cãi vã, nên tránh đi để đỡ tổn thương.”
Nghe có vẻ hợp lý, nhưng với tôi, đó là sự trốn tránh. Người trưởng thành không giải quyết mâu thuẫn bằng cách biến mất, nhất là khi đã có con.
Có lần con út bị sốt 39 độ, gọi mẹ không được, hai đứa lớn khóc nhòe mặt vì lo. Tôi phải tự bế con đi viện, trong lòng đầy tủi thân. Khi tôi kể lại, vợ chỉ lạnh nhạt nói: “Em nghĩ anh lo được.”
Tôi lo được. Nhưng tôi không thể chấp nhận một người mẹ có thể bỏ mặc tổ ấm mỗi lần giận dỗi, rồi quay về như chưa có chuyện gì xảy ra. Người ngoài nhìn vào tưởng tôi có cuộc sống “đủ đầy”: vợ đẹp, con ngoan, kinh tế ổn định. Nhưng ai hiểu được nỗi cô đơn trong chính mái nhà của mình?
Có lần tôi nói thẳng vì quá mệt mỏi, vợ lại thách: “Nếu anh thấy không chịu nổi thì ly hôn đi. Ai bắt anh sống với người như em?”
Tôi từng cố hiểu cho cô ấy. Vợ tôi từng sống trong một gia đình hay cãi vã, mẹ cô ấy cũng từng bỏ đi rồi lại về. Nhưng tôi không thể lấy quá khứ ra để bao biện mãi cho hiện tại. Cô ấy đã là mẹ của ba đứa trẻ không thể mãi ứng xử như một cô gái 20 tuổi bốc đồng.
Lần gần đây nhất, cách đây hai tuần, chỉ vì tôi nhắn tin công việc với một đồng nghiệp nữ lúc 10h đêm, cô ấy lại thu dọn đồ và bỏ đi. Tôi đã giải thích rõ, tin nhắn rất trong sáng, nhưng vợ không buồn nghe.
Ba ngày sau, cô ấy mới gọi về cho con. Tôi thì đã không còn đủ sức để năn nỉ nữa. Tôi nhắn: “Nếu lần này em quay về, hãy ngồi lại để nói chuyện rõ ràng. Nếu vẫn muốn sống cùng nhau, em không được tiếp tục bỏ đi mỗi khi có chuyện. Còn nếu em thấy mệt mỏi với vai trò làm vợ, làm mẹ, thì hãy dừng lại để anh gánh phần còn lại. Nhưng em cũng phải chấp nhận việc không còn là một phần của gia đình này nữa.”
Cô ấy không trả lời. Một tuần sau, vợ tôi trở về, có vẻ hối lỗi, nhưng tôi vẫn giữ khoảng cách. Tôi không biết, bao lâu nữa, một lần giận khác sẽ khiến cô ấy lại rời đi?
Tôi mệt. Thực sự mệt.
Người ta nói, giận dỗi là thứ gia vị ngọt ngào khi yêu. Nhưng khi đã là vợ chồng, nếu cứ mỗi lần cãi nhau là bỏ đi, thì hôn nhân lấy gì để bền vững?
Tôi vẫn ở đây, vì ba đứa con cần một mái ấm vững chắc. Nhưng tôi bắt đầu tự hỏi, liệu người phụ nữ từng nắm tay tôi trong lễ cưới, còn đủ trưởng thành để đồng hành, hay vẫn mãi là cô gái không chịu học cách ở lại mỗi khi bão giông kéo đến?