Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Một lần nhấp tay, "bay" ngay 90 triệu đồng sau khi nghe điện của shipper

Gần đây, thủ đoạn giả danh “shipper” (nhân viên giao hàng -PV) ngày càng nở rộ, khiến nhiều nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lớn.

Một cái "nhấn tay" mất ngay 90 triệu đồng

Mới đây nhất, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông tin về việc người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt 145 triệu đồng sau khi nhận điện thoại của kẻ giả danh nhân viên giao hàng.

Cụ thể, ngày 12/11, Công an phường Rạch Dừa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tiếp nhận tin báo của chị T. về việc bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 145 triệu đồng.

Theo đó, nạn nhân nhận được cuộc gọi từ người tự nhận là shipper, thông báo có đơn hàng, đề nghị nhận hàng và chuyển tiền ship (tiền dịch vụ giao hàng).

Không nghi ngờ, chị T. đã chuyển khoản phí giao hàng 30.000 đồng cho shipper theo yêu cầu của đối tượng. Tuy nhiên, gã này thông báo chưa nhận được tiền và hướng dãn người phụ nữ truy cập đường link mà đối tượng gửi để thanh toán. Kẻ lừa đảo còn đe dọa, nếu không thực hiện thì hàng tháng tài khoản ngân hàng sẽ bị trừ 4 triệu đồng.

Lo sợ, chị T. đã nhấp vào đường link theo yêu cầu, ngay sau đó tài khoản của nạn nhân bị trừ số tiền 90 triệu đồng. Liên lạc lại, đối tượng tiếp tục lừa người phụ nữ này rằng do có lỗi nên yêu cầu xác thực tài khoản ngân hàng. Sau đó, chị này bị mất tiếp 55 triệu đồng.

Đến đây, nạn nhân đã nhận thức được việc bị lừa đảo nên ngay lập tức trình báo cơ quan chức năng. Tại trụ sở Công an phường, điện thoại chị T. bị khóa mật khẩu dù trước đó không có.

2-1731676676.PNG
Sau vài cuộc điện thoại qua lại với shipper giả danh, nạn nhân bị mất số tiền lớn. Ảnh minh họa

Bay ngay 100 triệu đồng khi "làm theo hướng dẫn"

Một vụ việc tương tự xảy ra tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Khoảng 9h ngày 01/11/2024, chị B. (SN 2001) nhận được điện thoại của đối tượng thông báo có đơn hàng gửi đến.

Khách hàng đề nghị người giao hàng để vật phẩm vào nhà và chuyển tiền dịch vụ qua số tài khoản. Sau khi thanh toán khoản này, chị B. nhận được điện thoại của đối tượng lừa đảo, thông báo đã gửi nhầm tài khoản thanh toán của shipper khác. Và để nhận lại được số tiền đã chuyển khoản, chị B. phải truy cập vào một đường link của công ty giao hàng.

Khi truy cập vào đường link, thực hiện theo hướng dẫn và quét mã QR thì tài khoản chị B. bị trừ gần 100 triệu đồng. Phát hiện mình bị lừa, người phụ nữ vội vàng đến cơ quan Công an trình báo.

1-1731676667.jpg
Cơ quan chức năng nhận định, thủ đoạn giả mạo shipper lừa đảo khách hàng ngày càng tinh vi.

Tuyệt đối không truy cập đường link lạ

Bộ Công an nhận định, nếu như trước đây, các đối tượng chỉ lợi dụng những khách hàng mua sắm nhiều, dễ quên đơn hàng để gọi điện yêu cầu chuyển khoản thanh toán thì thời gian gần đây tội phạm đã áp dụng phương thức lừa đảo tinh vi hơn.

Thông qua việc hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm giả mạo với “hướng dẫn” để hoàn tiền thanh toán đơn hàng, tội phạm lừa đảo công nghệ cao sẽ chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại, truy cập vào tài khoản ngân hàng, từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác khi nhận số điện thoại lạ, không chuyển khoản khi chưa trực tiếp nhận hàng đã đặt và cần xác minh thật kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản. Tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo. Khi bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần đến cơ quan Công an gần nhất trình báo để được hỗ trợ kịp thời.