Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nam Định: Khẩn trương tổ chức di dời người dân ở vùng đê nguy hiểm vào nơi an toàn

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đã chỉ đạo thành phố Nam Định huy động lực lượng để tổ chức di dời người dân ở những vùng đê nguy hiểm vào nơi an toàn.

Do ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3, đêm ngày 9 và rạng sáng ngày 10/9, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xảy ra mưa lớn kéo dài. Cùng với đó, các hồ thủy điện cũng tiến hành xả lũ khiến mực nước trên các sông dâng cao…

Chiều ngày 10/9, ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đã trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục và xử lý ảnh hưởng của mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 tại địa bàn thành phố Nam Định, các huyện Nam Trực và Trực Ninh.

Tại thành phố Nam Định, ông Túc đã kiểm tra vùng đê Hồng Hà, xã Mỹ Tân. Đây là địa bàn chịu ảnh hưởng khi nước lũ trên sông Hồng đang dâng cao, gây ngập lụt toàn bộ diện tích trồng hoa của người dân.

z5817798936705-75ad3b4f2bf88a9a110f72ac84c23198-1725981529.jpg
Vùng đê Hồng Hà, xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định bị nước lũ tràn vào

Trước dự báo lũ trên sông Hồng sẽ đạt đỉnh vào trưa ngày 11/9, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành phố Nam Định huy động lực lượng Công an, Quân đội tổ chức di dời người dân ở vùng bối nguy hiểm vào nơi an toàn; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân và giảm thiểu thiệt hại về tài sản.

z5816952833421-7f2a7f4c9a39a329b7ac524a2ea73955-1725981498.jpg
Ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định kiểm tra công tác phòng chống ngập úng tại xã Mỹ Tân

Kiểm tra công tác tiêu úng tại Trạm bơm Quán Chuột, xã Mỹ Tân, ông Túc biểu dương cán bộ, công nhân viên trong nhiều ngày qua đã ứng trực, kịp thời vận hành tối đa các tổ máy để tiêu nước trên địa bàn thành phố.

Tại đây, ông Túc chỉ đạo cán bộ, công nhân viên trạm bơm tiếp tục khắc phục khó khăn, đảm bảo quân số trực và duy trì vận hành các tổ máy, tiêu úng kịp thời.

z5817829918712-3b796e8b06f79eb3c95ab1f738d84c8f-1725982091.jpg
Ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định kiểm tra công tác tiêu úng tại Trạm bơm Quán Chuột

Tại hai huyện Nam Trực và Trực Ninh, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện khẩn trương gia cố các khu vực trọng yếu, huy động mọi lực lượng và phương tiện, đồng thời kêu gọi người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm di dời đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị đầy đủ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân tại nơi tránh trú.

Trước đó, tỉnh Nam Định ghi nhận nhiều thiệt hại bởi cơn bão số 3, khoảng 5.000 ha lúa bị ảnh hưởng; 230 ha cây hoa màu, 130 ha cây ngô hè thu bị hư hỏng; 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng; 2 nhà văn hóa bị tốc mái; hàng nghìn cây bóng mát bị đổ; 15 cột điện hạ thế bị đổ làm ảnh hưởng hệ thống đường điện liên quan. Nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị bay tốc. Một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt.