Hôm nay (20/7), ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học 2024 đã được diễn ra, tại đây những câu hỏi đến quy tắc lọc ảo, phương pháp đặt nguyện vọng là những nội dung được phụ huynh và học sinh rất quan tâm.
Sau 2 ngày mở cổng đăng ký nguyện vọng, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin đã có 600.000 nguyện vọng đăng ký trên hệ thống tuy nhiên vẫn có nhiều thí sinh vẫn chưa thực hiện đăng ký.
"Trong những ngày đầu tiên đã ghi nhận nhiều em xét rất nhiều nguyện vọng. Mặc dù không giới hạn nhưng thí sinh không nên đăng ký quá nhiều dễ gây bối rối, lãng phí. Phải có những phương án phù hợp với điểm số của mình", bà Thuỷ đưa ra lời khuyên.
Ngược lại, các em cũng nên sớm nhập nguyện vọng đăng ký trên hệ thống, vì có thể điều chỉnh không nên để đến cuối thời gian mới thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ nhấn mạnh: "Các em cũng rất hay mắc lỗi là không kết thúc quy trình đăng ký, như vậy là chưa được xác nhận trên hệ thống. Cuối cùng là bảo mật thật tốt tài khoản để tránh có sự tác động của bên ngoài mà không phải do thí sinh thực hiện".
Về quy tắc lọc ảo, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết hệ thống sẽ chọn theo thứ tự ưu tiên và năng lực của thí sinh.
"Thí sinh nào có điểm trúng tuyển cao hơn thì chắc chắn sẽ đỗ không phụ thuộc vào xếp vào nguyện vọng thứ mấy. Các em sẽ đỗ vào nguyện vọng duy nhất và cao nhất.
Đối với hình thức xét tuyển sớm nếu học sinh đã được thông báo trúng tuyển thì chắc chắn sẽ đỗ ngay cả khi xếp nguyện vọng đó cuối cùng. Thứ tự nguyện vọng ưu tiên vô cùng quan trọng, vì các em sẽ trúng tuyển nguyện vọng duy nhất, cao nhất, được ưu tiên nhất", bà Thuỷ cho hay.
Thấu hiểu được những băn khoăn của phụ huynh và học sinh về việc ngành mình thích có khả năng đỗ không? Có khả năng trượt tất cả nguyện vọng hay không? PGS.TS. Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Ngoại thương đưa ra bí kíp đăng ký nguyện vọng.
Theo bà Hiền cần xác định 3 nhóm đó là nhóm 1 là ngành ước mơ, những nghề thực sự thích.
Nhóm 2: là nhóm "vừa sức" gồm những nguyện vọng chưa chắc chắn đỗ và nguyện vọng xét tuyển sớm.
Nhóm 3: Nhóm nguyện vọng thấp để tránh rủi ro, có tỉ lệ trúng tuyển cao nhất.
"Tuy nhiên, cần hiểu không nên sắp xếp nguyện vọng theo các thứ tự nhóm như trên mà chỉ lựa theo quy tắc ngành nào thích nhất xếp lên trước, không thích xếp sau", bà Hiền cho hay.
Cũng tại buổi tư vấn, ông Vũ Duy Hải – Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa đã làm rõ sự khác biệt về chương trình đại trà và chương trình chất lượng cao.
Chuyên gia cho biết đại trà là những chương trình các trường có truyền thống đào tạo. Đối với chương trình tiến tiến, chất lượng cao thêm các yếu tố ngôn ngữ, hướng đến đào tạo phục vụ thị trường lao động nhất định. Thứ 3 là chương trình hợp tác quốc tế với các nước.
"Các chương trình này đều giống nhau về kiến thức khác nhau duy nhất là ngôn ngữ đào tạo", ông Hải cho biết.
Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) ở khối đào tạo sức khỏe và giáo viên.
Theo đó, điểm sàn khối sức khỏe dao động từ 19-22,5 điểm. Cao nhất là ngành y khoa, răng hàm mặt (22,5 điểm). Các ngành y học cổ truyền, dược học (21 điểm). Các ngành còn lại ở mức 19 điểm.
Ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào của khối đào tạo giáo viên dao động từ 17-19 điểm. Trong đó nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm.
Riêng với các ngành như giáo dục thể chất, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật là 18 điểm với các tổ hợp xét tuyển ba môn văn hóa. Những tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của quy chế hiện hành.