Trúng thầu gần 55 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 6 triệu đồng
Theo Quyết định số 860/QĐ-EVNNPT ngày 31/05/2024, ông Phạm Lê Phú – Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho “Gói thầu số 10: Cung cấp và vận chuyển cột thép đường dây 220 kV”.
Đây là gói thầu thuộc dự án Trạm biến áp 220 kV Hải Hậu và đường dây đấu nối với tổng mức đầu tư 853,1 tỷ đồng, sử dụng vốn vay và vốn từ EVNNPT, đặt tại địa bàn tỉnh Nam Định.
Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng cho phụ tải khu vực phía Nam tỉnh Nam Định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực; Giải tỏa một phần công suất cho NMNĐ Nam Định; Tăng cường khả năng truyền tải của lưới điện, giảm tổn thất công suất, tổn thất điện năng trong hệ thống điện; Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Kể từ khi nhận hồ sơ dự thầu từ 29/11/2023 đến khi đóng thầu vào 21/12/2023, có tổng cộng 2 doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Kết quả, CTCP Sông Đà 11 (công ty Sông Đà 11; mã chứng khoán: SJE) đã trúng thầu với giá 54,893 tỷ đồng. So với giá dự toán 54,899 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 6,1 triệu đồng, tương ứng tỉ lệ 0,01%.
Nhà thầu còn lại, CTCP Tập đoàn Thành Long đã trượt thầu do E-HSĐXKT (hồ sơ đề xuất kỹ thuật) của nhà thầu không đồng nhất thông tin về nhà sản xuất cột thép, cũng như không nêu rõ nhà sản xuất cột thép chào thầu. Do đó, tổ chuyên gia đánh giá không đáp ứng qui định của E-HSMT.
Năng lực nhà thầu trúng thầu ra sao?
Theo dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, công ty Sông Đà 11 đã tham gia 178 gói thầu, trong đó trúng 59 gói với tổng giá trị 4.311 tỷ đồng. Danh sách các tỉnh thành doanh nghiệp này đã tham gia đấu thầu trải dài từ Bắc vào Nam: Hà Nội (40 gói), Nam Định (30), Nghệ An (28), Thanh Hóa (25)…
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, công ty Sông Đà 11 đã tham gia 48 gói thầu, trong đó trúng 21 gói, qua đó đóng góp đáng kể vào doanh thu của công ty. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2024, Sông Đà 11 ghi nhận doanh thu thuần 165,4 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ, trong đó có 74,9 tỷ đồng đến từ hợp đồng xây dựng, chiếm tỉ trọng 45%.
Trừ đi thuế và các chi phí khác, doanh nghiệp báo lãi ròng 33,1 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý I/2023.
Tính đến cuối tháng 03/2024, tổng tài sản của Sông Đà 11 đạt mức 2.416 tỷ đồng, cao hơn 26% so với số đầu năm, tập trung phần lớn tại các khoản phải thu ngắn hạn 475,8 tỷ đồng (chiếm gần 20%) và hàng tồn kho 465,7 tỷ đồng (chiếm 19%, tăng gấp gần 4 lần so với đầu năm).
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp chạm mốc 1.642 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.065 tỷ đồng (chiếm 65%), tăng cao hơn 85% so với đầu năm. Trong đây nổi bật là các khoản vay BIDV chi nhanh Hoàn Kiếm 227,4 tỷ đồng, vay BIDV chi nhánh Hà Đông 96 tỷ đồng, vay Agribank chi nhánh Láng Hạ 75,6 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, với vốn chủ sở hữu ở mức 774 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Sông Đà 11 là 2,12, tức tổng nợ của doanh nghiệp gấp 2 lần vốn chủ.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 02/06/2024, cổ phiếu SJE của Sông Đà 11 có giá 24.600 đồng/cp.