Ngân hàng Thương mại Cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank, mã chứng khoán: LPB) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 5.919 tỷ đồng, tăng trưởng 142% so với cùng kỳ.
Trước đó, lợi nhuận trước thuế quý I của ngân hàng này đạt hơn 2.886 tỷ đồng, tăng mạnh 84,4% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 2.299 tỷ đồng, tăng 85%.
Như vậy, ước tính lợi nhuận trước thuế quý II của LPBank sẽ ở mức trên 3.000 tỷ đồng, gấp gần 3,5 lần cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2024, LPBank đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt mức 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Như vậy, ngân hàng này đã thực hiện được hơn 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
LPBank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh sơ bộ nửa đầu năm. Nhiều khả năng, đây sẽ là một trong những nhà băng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất.
Ngày 15/7, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 423 về việc sửa đổi tên ngân hàng Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) chính thức đổi tên thương mại là Ngân hàng thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam.
Tên tiếng Anh của ngân hàng này là Fortune Vietnam Joint Stock Commercial Bank với tên viết tắt bằng tiếng Anh là LPBank. Mã chứng khoán niêm yết là LPB, vẫn được giữ nguyên.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 18/7, cổ phiếu LPB dao động ở mức 31.800 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của ngân hàng trên thị trường đạt trên 81.000 tỷ đồng.
Hiện vẫn chưa có ngân hàng nào công bố cụ thể về kết quả kinh doanh và lợi nhuận quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2024. Nhưng theo nhiều dự báo cũng như nhìn từ kết quả tăng trưởng về dòng tiền, huy động vốn, tín dụng… thì tình hình lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ là bức tranh có sự phân hoá rõ nét.
Trong báo cáo ngành ngân hàng được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, 2024 sẽ tiếp tục là năm tương đối thách thức với ngành ngân hàng, song một số tổ chức tín dụng sẽ có cải thiện về tăng trưởng lợi nhuận.
Theo đó, VDSC kỳ vọng, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trung bình của các ngân hàng trong danh sách theo dõi đạt 18%, thu nhập lãi tăng 19%.
Lợi nhuận ngân hàng được dự báo khả quan nhờ tín dụng tăng trưởng tốt hơn so với quý trước đó khi lãi suất cho vay hợp lý hơn và kỳ vọng nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, kéo theo nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Còn theo Công ty Chứng khoán MBS, biên lợi nhuận (NIM) của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng trong quý II khả quan hơn so với quý I nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, do đó nhìn chung thu nhập lãi thuần vẫn chưa thể tăng mạnh.
Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối với chứng khoán dự báo sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn. Chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong quý II này.
Từ những phân tích trên, MBS nhận định, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao, mức tăng nổi bật ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt như LPBank, VPBank, HDBank; một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm do lợi nhuận sau thuế cùng kỳ năm ngoái ở mức cao như Sacombank, BIDV.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, nhiều ngân hàng được dự báo lợi nhuận tăng trưởng tích cực, thậm chí có ngân hàng ghi nhận mức tăng lợi nhuận lên tới 60% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng có ngân hàng chỉ tăng trưởng ở mức một con số, trong khi có 2 ngân hàng bị đánh giá sẽ có lợi nhuận giảm trong quý II/2024.
Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước được công bố vào đầu tháng 7, các tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý II/2024 có cải thiện nhưng chưa thực sự rõ nét so với quý I/2024 và chưa đạt được như kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Kết quả điều tra cũng cho biết, 70-75,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý 3/2024 và cả năm 2024. Trong năm 2024, 86,2% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023. Bên cạnh đó, vẫn có 11% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 (cao hơn tỷ lệ 10,1% TCTD kỳ vọng tại kỳ điều tra trước) và 2,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.