Mất đi ánh sáng sau tiêm collagen ở Hàn Quốc
Từ lâu, Hàn Quốc đã được xem là "kinh đô làm đẹp" của châu Á, nơi hội tụ những xu hướng thẩm mỹ hiện đại và đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, ngay cả trong một thị trường làm đẹp phát triển như Hàn, những sự cố ngoài ý muốn vẫn có thể xảy ra kể cả với những thủ thuật được quảng bá là an toàn, ít xâm lấn.
Theo thông tin từ VnExpress, vào tháng 4, Esther Jeong 29 tuổi, một nghệ nhân làm gốm đã đến Hàn Quốc để tiêm chất tăng sinh collagen Juvelook Volume. Đây là một loại chất làm đầy được sử dụng trong thẩm mỹ để cải thiện độ đầy đặn và làm mờ nếp nhăn trên khuôn mặt. Sản phẩm chứa collagen và hyaluronic acid, giúp da căng mịn, giữ ẩm và giảm dấu hiệu lão hóa.

Esther Jeong 29 tuổi, một nghệ nhân làm gốm đã đến Hàn Quốc để tiêm chất tăng sinh collagen Juvelook Volume. Ảnh: @estherjeong.
Trong lúc thực hiện Esther đã nhanh chóng nhận ra điều bất thường ở mắt trái. “Tôi cảm nhận được có điều gì đó không ổn với mắt mình trong lúc đang tiêm và đã lập tức báo với bác sĩ. Tôi còn nhắc lại 3 lần sau đó...", cô cho biết.
Bất chấp lời kêu cứu trong lúc hoảng loạn của khách hàng, Esther kể bệnh viện này chỉ đưa cô vào một căn phòng khác để nằm nghỉ hơn 1h đồng hồ và bảo cô về nhà ngủ một giấc vì cho rằng đó chỉ là tác dụng phụ tạm thời của thuốc tê. Nhưng chính Esther cũng không ngờ rằng khi đó cô đã bỏ lỡ mất 2h vàng để cứu lấy mắt của mình.
Ngày hôm sau khi vẫn thấy bất thường Esther mới đến bệnh viện để cấp cứu nhưng vì khi đó là cuối tuần các bệnh viện từ chối thăm khám nên quá trình chữa trị của cô tiếp tục bị kéo dài. Cuối cùng, các bác sĩ nhãn khoa tại 6 bệnh viện hàng đầu Hàn Quốc cho biết mắt cô đã không thể cứu chữa: "Tất cả đều chẩn đoán tôi mắc BRAO - một dạng tắc nghẽn động mạch võng mạc và thị lực không thể phục hồi trở lại."
Điều đau lòng hơn khi nạn nhân biết rằng: Nếu được xử lý trong "khung giờ vàng" sau khi xảy ra sự cố, cô đã có khả năng cao lấy lại thị lực. Những phương pháp xử lý này hoàn toàn nằm trong khả năng của bác sĩ thẩm mỹ hôm đó người mà về sau chỉ nói một câu: “Tôi nghĩ chuyện này không thể xảy ra.”
Là một nhà thiết kế và nghệ nhân làm gốm, thị lực là yếu tố quan trọng trong sự nghiệp của Esther. Sau khi các bác sĩ xác nhận rằng tổn thương do Juvelook sẽ kéo dài vĩnh viễn, Esther bắt đầu tìm kiếm các phương pháp điều trị thử nghiệm tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, tất cả đều không mang lại kết quả khả quan. Cảm thấy kiệt quệ về mặt cảm xúc, tinh thần và tài chính, Esther quyết định đòi bồi thường.
"Tôi sợ sẽ không nhận được khoản đền bù thỏa đáng, vì chuyện này ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp và tương lai của tôi. Cảm giác kiệt quệ về tinh thần, cảm xúc và tài chính thật sự rất nặng nề", cô chia sẻ.

Là một nhà thiết kế và nghệ nhân làm gốm, thị lực là yếu tố quan trọng trong sự nghiệp của Esther. Ảnh: Esther Jeong
Người bạn đời đã phải nghỉ không lương để ở lại Hàn chăm sóc cô. Esther cho hay hiện cả 2 đều chưa thể chấp nhận sự thật, họ chỉ có thể trông cậy vào luật pháp sẽ trả cho mình một khoảng bồi thường xứng đáng. Nạn nhân chia sẻ: "Tôi vẫn còn rất giận dữ và đau lòng. Đây là một trải nghiệm kinh hoàng, và tôi sẽ tiếp tục chia sẻ để những người khác không phải trải qua điều tương tự."
Esther cũng chia sẻ rằng cô đã nghiên cứu kỹ càng trong hơn một năm và tin rằng các phương pháp điều trị này là an toàn. Tuy nhiên, sau khi sự cố xảy ra, cô muốn cảnh báo mọi người, đặc biệt là những ai có ý định thử các phương pháp điều trị da ở Hàn Quốc, rằng những biến chứng như vậy hoàn toàn có thể xuất hiện.
Chuyên gia y tế nói gì?
Theo Phụ nữ số, Juvelook Volume là một dòng collagen booster – nhóm sản phẩm tiêm giúp kích thích cơ thể tự sản sinh collagen nội sinh. Không giống filler vốn tạo hiệu ứng làm đầy tức thì, collagen booster thường mang lại hiệu quả từ từ, tự nhiên hơn. Thành phần chính thường bao gồm PDLLA (Poly D,L-lactic acid) kết hợp với HA (Hyaluronic Acid), được sử dụng để cải thiện kết cấu da, làm mờ nếp nhăn, tăng độ đàn hồi…
Tuy nhiên, như với bất kỳ thủ thuật tiêm nào, vị trí và kỹ thuật thực hiện cực kỳ quan trọng. Vùng quanh mắt là nơi đặc biệt nhạy cảm, chứa nhiều mạch máu liên quan đến thị lực nếu tiêm sai hoặc không xử lý kịp thời, rủi ro biến chứng vẫn có thể xảy ra, dù xác suất thấp.

Juvelook Volume là một dòng collagen booster nhóm sản phẩm tiêm giúp kích thích cơ thể tự sản sinh collagen nội sinh. Ảnh: Phụ nữ số.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng các phương pháp thẩm mỹ, đặc biệt là chất làm đầy và tiêm botox, các chuyên gia y tế khuyến cáo người tiêu dùng tìm hiểu kỹ về các sản phẩm cũng như cơ sở thực hiện. Tiến sĩ David Lortscher, bác sĩ da liễu, cho biết việc lựa chọn các chất làm đầy không rõ nguồn gốc hoặc không được kiểm định có thể dẫn đến các rủi ro nghiêm trọng, như tắc mạch máu và tổn thương mô. Theo ông, các biến chứng như mù lòa, dù hiếm gặp, vẫn có thể xảy ra nếu chất làm đầy di chuyển vào động mạch gần mắt.
Các bác sĩ nhãn khoa cũng chỉ ra rằng, tiêm filler gần mắt có thể gây tắc nghẽn các động mạch nuôi dưỡng mắt, dẫn đến tổn thương võng mạc. Tiến sĩ Michael D. Streit,chuyên gia nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt Harvard, khuyến cáo mọi người lựa chọn các cơ sở y tế được cấp phép, có bác sĩ chuyên môn và đầy đủ trang thiết bị để thực hiện bất cứ phương pháp thẩm mỹ nào.
LTS: Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, khát khao sở hữu vẻ đẹp hoàn hảo ngày càng trở nên mạnh mẽ. Phẫu thuật thẩm mỹ, với lời hứa về sự thay đổi diệu kỳ, đã trở thành một lựa chọn không còn xa lạ. Tuy nhiên, đằng sau những ánh hào quang và niềm hy vọng về một "phiên bản" đẹp hơn của bản thân, lại ẩn chứa không ít câu chuyện bi hài, thậm chí là những hậu vận đầy cay đắng.
Trang Đời sống & Pháp luật giới thiệu độc giả tuyến bài "Bi hài hậu vận sau thẩm mỹ" nhằm vén màn những góc khuất ít ai ngờ tới của thế giới "dao kéo". Lắng nghe những lời kể xót xa của những người đã từng đặt trọn niềm tin vào "bàn tay vàng" của các bác sĩ thẩm mỹ, nhưng cuối cùng lại phải đối diện với hiện thực phũ phàng: tiền mất, tật mang, nhan sắc chẳng những không cải thiện mà còn trở nên tồi tệ hơn. Những biến chứng khôn lường, những đau đớn thể xác và cả sự dằn vặt tinh thần đã trở thành gánh nặng đeo bám họ suốt quãng đời còn lại.
Những câu chuyện này không chỉ là lời cảnh tỉnh đanh thép cho những ai đang ấp ủ ý định "trùng tu" nhan sắc, mà còn là hồi chuông gióng lên về trách nhiệm của các cơ sở thẩm mỹ và sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của một bộ phận không nhỏ khách hàng. Qua những mảnh đời đầy nước mắt và sự hối hận muộn màng, chúng tôi hy vọng quý độc giả sẽ có cái nhìn đa chiều và thận trọng hơn về phẫu thuật thẩm mỹ. Vẻ đẹp thực sự không chỉ nằm ở những đường nét bên ngoài mà còn tỏa ra từ sự khỏe mạnh, tự tin và yêu thương bản thân.