Ngôi trường in dấu lời dạy của Bác
Toàn cảnh khu di tích của Trường Thanh niên lao động Xã hội chủ nghĩa Hòa Bình.
Ngày 1/4/1958, khóa học đầu tiên của Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình khai giảng tại xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Mục tiêu của nhà trường là lấy lao động sản xuất để tự túc học tập, thông qua học tập và lao động để rèn luyện thanh niên trở thành những con người mới xã hội chủ nghĩa; giáo dục, rèn luyện thanh niên các dân tộc Hòa Bình từ 16 tuổi trở lên, đào tạo họ trở thành lực lượng lao động mới, có tư tưởng tốt, có văn hóa, kỹ thuật, có sức khỏe làm nòng cốt cho các hợp tác xã, là lực lượng thanh niên dự trữ cho việc đào tạo cán bộ phong trào.
Trong những năm 1958 - 1961, thầy và trò Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình ngày đêm thi đua lao động và học tập trên các công trường Đường số 6, Đường 12B, Đường 24 và công trình Thủy nông Hòa Bình - Thịnh Lang.
Bút tích lời dạy của Bác được khắc trên đá, trưng bày tại khu di tích trường Thanh niên lao động Xã hội chủ nghĩa Hòa Bình.
Năm 1962, trường có 1.155 học sinh là thanh niên các dân tộc: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông. Ban lãnh đạo trường mở rộng quy mô với 6 phân hiệu để học sinh vừa học tập, vừa trồng trọt và chăn nuôi, mỗi phân hiệu được giao từ 100 đến 160 ha đất.
Bằng sức lao động, kiến thức được trang bị, bước đầu, cán bộ, thầy và trò nhà trường đã tự giải quyết được nhu cầu tối thiểu về ăn, ở, học tập. Bên cạnh đó, nhà trường đã tích lũy được một số vốn và đóng thuế cho Nhà nước. Phương thức vừa học, vừa làm của nhà trường đã thể hiện rõ nét mô hình đào tạo mới và rất đặc biệt là: một lớp học đồng thời là một đơn vị sản xuất, một chi đoàn thanh niên là trung đội dân quân tự vệ.
Ngày 17/8/1962, Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Trong chuyến thăm, Bác Hồ đã nói chuyện với trên 400 cán bộ lãnh đạo các cấp tỉnh Hòa Bình và hơn 1.200 cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường.
Bức phù điêu tái hiện các hoạt động của Trường Thanh niên lao động Xã hội chủ nghĩa Hòa Bình.
Tại buổi nói chuyện, Bác dạy rằng: "Trường này dạy cho thanh niên vừa học, vừa làm, như vậy là rất tốt. Nên học những ngành nghề gì quan hệ trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và nông thôn như: trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng... Trước đây lúc tuổi thanh niên, Bác hoạt động ở Pháp, cũng vừa lao động, vừa học tập, nhưng lúc đó lao động là lao động nô lệ cho đế quốc. Bác phải tự làm thế để tự kiếm sống, nhưng vẫn dành thì giờ để học tập, ngày lao động, đêm học tập, chứ Bác không được đến trường học đâu. Vì vậy, Bác khuyên các cháu lao động tốt để trở thành người lao động xã hội chủ nghĩa".
Bác cũng yêu cầu tỉnh Hòa Bình phải làm sao huyện nào cũng đều có trường vừa học, vừa làm. Trong cuốn sổ vàng của nhà trường còn in đậm bút tích của Bác Hồ với lời dạy: “Phải: Học tập tốt, lao động tốt; cố gắng mãi, tiến bộ mãi”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mục tiêu phấn đấu không những của cán bộ, thầy và trò nhà trường mà còn là mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Hòa Bình.
Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Du khách tham quan không gian trưng bày hình ảnh Bác Hồ về thăm Trường.
Với bề dày truyền thống và những thành tích xuất sắc, năm 1985, trường đã vinh dự được Hội đồng Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Bà Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, Di tích lịch sử văn hóa Địa điểm Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình (tại xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình) là “địa chỉ đỏ” đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình và sau này, từ năm 1991, đổi tên là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình, đã vinh dự được đón nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm như: Bí thư thứ Nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn; Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An... cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành khác.
Trường Thanh niên lao động Xã hội chủ nghĩa Hòa Bình tự hào là nơi được Bác Hồ về thăm. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN
Phát huy truyền thống anh hùng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình ngày nay đã đạt được được các phần thưởng và danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều bằng khen, cờ thi đua của UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 2010.
Nhiều kỹ sư, thạc sĩ, bác sĩ, giáo viên, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, ngành, nhiều sĩ quan quân đội... xuất thân từ Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình. Nhiều học sinh cũ của trường sau khi tốt nghiệp đại học đã trở về trường công tác, làm giáo viên hoặc cán bộ lãnh đạo nhà trường, tiếp tục phát huy tinh thần, cốt cách của các thế hệ cha anh.