Nhớ một thời “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Vào ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước kết thúc thắng lợi mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta.
Không chỉ trong thời chiến mà ngay thời bình ông vẫn cần mẫn, tâm huyết với gần 20 năm đi sưu tầm kỷ vật kháng chiến, tạo nên một bảo tàng tư nhân để tri ân đồng đội và giáo dục thể hệ trẻ về truyền thống hào hùng của dân tộc. Đó là cựu chiến binh Lâm Văn Bảng (SN 1943, quê Phú Xuyên, Hà Nội), ông vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống Cách mạng. Năm 1965, khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, như bao thế hệ thanh niên “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, ông quyết theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ.
Đến năm 1966, ông cùng đồng đội Nam tiến. Tại chiến dịch vô cùng ác liệt mang tên Mậu Thân 1968, ông bị địch bắt và giam ở nhà lao Biên Hòa rồi đày ra Phú Quốc. Năm 1973, ông cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris.
“Trong thời gian ở nhà tù của địch, tôi chứng kiến nhiều đồng đội “gan vàng dạ sắt”, một mực bảo vệ lý tưởng Cách mạng, sẵn sàng sinh dù kẻ thù có giở các ngón đòn tra tấn dã man nhất.
Khi tôi nằm ở nhà giam Chí Hòa, chứng kiến nhiều đồng đội bị thương nặng, bị tra tấn tàn bạo với những tiếng kêu thất thanh, rền rĩ, rồi chầm chậm và tắt hẳn… Đó là lúc người chiến sĩ ra đi, nhưng những hi sinh đó lại thổi bùng lên ý chí kiên trung trong lòng mỗi người còn sống”, ông Bảng kể.
Người cựu chiến binh cho hay, những năm sau khi kết thúc cuộc chiến, nhiều lúc bên tai ông vẫn văng vẳng những tiếng kêu đau đớn của đồng đội…Tất cả những điều đó ám ảnh tâm trí ông suốt bao nămvà như thúc giục ông phải làm điều gì đó để tri ân đồng đội.
“Mình cần phải đi tìm những kỷ vật của thời chiến để gìn giữ và thể hiện tấm lòng tri ân đồng đội, những người đã ngã xuống vì quê hương, đất nước đồng thời nhắc nhở cho các thế hệ mai sau hiểu thêm ý nghĩa của hòa bình, tự do”, ông Bảng kể lại và cho biết, ý định thành lập Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày dần hình thành từ đó.
Chiến tranh kết thúc, ông Bảng tiếp tục cống hiến sức lực vào công cuộc xây dựng đất nước với cương vị Hạt trưởng Hạt quản lý giao thông số 5. Năm 1985 trong quá trình khi chỉ huy sửa cầu Giẽ (huyện Phú Xuyên ngày nay), thì các công nhân phát hiện một quả bom.
Ông Bảng nhờ chuyên gia tháo kíp, bỏ hết thuốc nổ rồi mang vỏ về trụ sở. Tại đây, ông cho kích bổng quả bom lên và viết dòng chữ: "Cô gái suối Hai, chàng trai cầu Giẽ".
Sáng hôm sau, trước giờ đi làm ông thấy rất nhiều công nhân tụ tập đứng xem vỏ quả bom. Ngồi trên tầng hai làm việc, nhìn xuống thấy vậy ông nghĩ: "Các anh em chiến sĩ bị địch bắt tù đày tra tấn kinh hoàng, lúc nào cũng cận kề cái chết; hiện vật nhiều lắm chứ,...Thế thì tại sao mình không tập hợp lại để trưng bày".
Bắt tay vào làm, ông Bảng may mắn nhận được sự động viên, cổ vũ rất lớn của đồng đội. Không quản ngại đường sá xa xôi, người cựu chiến binh đã vượt qua hàng ngàn cây số đi tìm hiện vật của những đồng đội. Sau bao nhiêu năm miệt mài, tìm kiếm hiện vật, ngày 11/10/2006, “Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày” chính thức được thành lập.
Đến nay, sau gần 20 năm hoạt động, bảo tàng có 10 phòng trưng bày, cùng gần 5.000 kỷ vật đã được sưu tầm. “Kỷ vật ở bảo tàng không phải những món đồ quá lớn lao, nhưng đằng sau mỗi kỷ vậy là một câu chuyện, chứa đựng sau nó là 1 ý nghĩa lớn lao vô cùng, mỗi hiện vật đều là xương, là máu của đồng đội tôi”, ông Bảng cho hay.
Ông nêu ví dụ lá cờ Đảng được vẽ bằng máu trong nhà tù của ông Nguyễn Văn Dư (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Trước đó để “vận động” gia đình ông Dư tặng bảo tàng, nhóm của ông đã đạp xe đến nhà ông Dư mười mấy lần.
“Lúc đầu ông ấy không đồng ý, rồi tránh mặt không gặp. Sau ông ấy lại nói vợ không đồng ý "trao" lá cờ Đảng cho chúng tôi. Chúng tôi thuyết phục vợ ông ấy, thì bà ấy lại nói các con không đồng ý”, ông Bảng kể lại.
"Nếu ông giữ lá cờ Đảng quý báu này thì chỉ gia đình ông biết. Nhưng khi tôi đem về phòng truyền thống trưng bày thì sẽ có nhiều người biết đến. Đây còn là một trong những việc làm để báo cáo với Đảng, Quân đội, Nhân dân về những chiến sĩ Cách mạng trung thành, bất khuất, kiên trung. Và để giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau", tôi đều nói vậy sau mười mấy lần đến nhà và thuyết phục được ông ấy.
Người cựu chiến binh kể tiếp: “Khi trao lá cờ cho tôi, ông Dư và tôi cùng khóc, bởi với ông ấy, lá cờ là cả cuộc đời. Khi địch khám xét, anh em cuốn lá cờ đặc biệt kia lại (lúc mở ra chỉ bằng bàn tay) rồi nhét vào miệng mình, nhét vào khe nạng chống của người bị thương… Lá cờ Đảng vẽ bằng máu, đâu dễ gì mà có được”.
Niềm tin vào thế hệ trẻ
Ông Bảng phấn khởi cho hay, hàng năm cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam (30/4) hay ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, bảo tàng của ông lại đón rất nhiều du khách, cả trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.
Đặc biệt, bảo tàng cũng nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành giáo dục địa phương cũng thường xuyên tổ chức đưa học sinh đến tìm hiểu. “Đó là niềm động viên rất lớn với tôi và anh chị em đang chăm lo, gìn giữ bảo tàng ở đây”, ông Bảng nói và bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa chính quyền và người dân để bảo tàng ngày càng phát triển.
Với tâm niệm “quân đội ta từ nhân dân mà ra”, “quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân”, ông cho biết, từ khi còn ngồi ghế nhà trường, tham gia quân đội, bị địch bắt tù đày cho đến khi được trở về đời thường, ông luôn tâm niệm phải làm những điều có ích cho xã hội, cho đất nước theo lời dạy của Bác Hồ.
“Học tập và thực hiện theo lời Bác về việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, công tác đại đoàn kết,... tôi cùng với đồng đội đã dựng lên Bảo tàng này để giáo dục truyền thống Cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Qua mỗi câu chuyện được chia sẻ cũng nhắc nhở mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ thấy được sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thấm thía lời dạy của Bác “Không có gì quý hơn độc lập - tự do” quý giá biết nhường nào” - ông Bảng nói.
Box:
Với những đóng góp của bản thân, ông Lâm Văn Bảng vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Ưu tú Thủ đô năm 2014 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…
Năm 2018, ông là 1 trong 70 tấm gương điển hình được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua Ái quốc. Năm 2019, bảo tàng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen…
Thuận Nguyễn