Chuyên gia y học dinh dưỡng, bác sĩ Lưu Bác Nhân cho biết, một phụ nữ 40 tuổi đã được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày giai đoạn 3, nguyên nhân chính là do bỏ qua dấu hiệu nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Ông giải thích rằng trong số các yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày, nhiễm HP là yếu tố quan trọng nhất. Nghiên cứu cho thấy khoảng 90% bệnh nhân ung thư dạ dày từng nhiễm loại vi khuẩn này. Ông kêu gọi mọi người nên tầm soát sớm và điều trị triệt để HP, giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày khá phổ biến
Trong một bài đăng trên trang cá nhân, bác sĩ Lưu Bác Nhân cho biết ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư phổ biến tại Đài Loan. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Phúc lợi, mỗi năm có khoảng 3.700 ca mắc mới, trong đó tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao gấp đôi nữ giới.
Trong số nhiều yếu tố nguy cơ, HP được coi là nguyên nhân quan trọng nhất. Bệnh nhân nữ được đề cập trong bài viết đã bỏ qua cảnh báo nhiễm HP và cuối cùng mắc ung thư dạ dày giai đoạn 3. May mắn thay, sau khi điều trị tích cực và điều chỉnh lối sống, sức khỏe của cô đã cải thiện đáng kể sau 3 năm.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Ngoài nhiễm HP, bác sĩ Lưu Bác Nhân cũng chỉ ra một số yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, bao gồm:
Thói quen ăn uống không lành mạnh: Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm nhiều muối, thực phẩm muối chua, xông khói hoặc nướng cháy.
Hút thuốc lá: Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 2,52 lần so với người không hút.
Uống rượu quá mức.
Yếu tố di truyền: Nếu gia đình có người mắc ung thư dạ dày, nguy cơ của bạn cũng sẽ cao hơn.
Cách phòng ung thư dạ dày
- Chế độ ăn uống lành mạnh
Tránh ăn thực phẩm nhiễm bẩn hoặc uống nước không đảm bảo vệ sinh.
Rửa tay kỹ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Hạn chế thực phẩm muối chua, xông khói, nướng cháy và thực phẩm chứa nhiều muối, tránh gây kích ứng niêm mạc dạ dày.
- Hạn chế thói quen có hại
Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia để giảm nguy cơ ung thư.
Chú ý các triệu chứng bất thường
Nếu bạn có đau dạ dày kéo dài, đầy hơi, khó tiêu, chán ăn, hãy đi khám sớm để tầm soát bệnh.
- Tầm soát và xét nghiệm HP
Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày hoặc mắc các bệnh lý về dạ dày nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xét nghiệm HP.
Nếu bị nhiễm, cần điều trị triệt để và kiểm tra định kỳ.
Vi Khuẩn HP - thủ phạm gây ung thư
Theo dữ liệu từ Cục Y tế Quốc gia Đài Loan (năm 110), ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 8 tại nước này. Đặc biệt, 80 – 90% bệnh nhân ung thư dạ dày có liên quan đến nhiễm vi khuẩn HP.
Bà Lâm Lệ Như, Trưởng phòng Phòng chống ung thư, cho biết những người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày bao gồm:
Người có người thân trực hệ (bố, mẹ, anh chị em ruột) từng mắc ung thư dạ dày.
Người trên 50 tuổi.
Người sống trong khu vực có tỷ lệ ung thư dạ dày cao.
Đây là nhóm ưu tiên tầm soát để phát hiện sớm bệnh lý.
Các phương pháp tầm soát HP
- Xét nghiệm không xâm lấn:
Test thở Ure C13.
Xét nghiệm kháng nguyên trong phân.
Xét nghiệm huyết thanh học (xét nghiệm máu).
- Xét nghiệm xâm lấn (nội soi dạ dày):
Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc có triệu chứng đầy bụng, đau dạ dày kéo dài, bác sĩ có thể đề nghị nội soi dạ dày để kiểm tra trực tiếp.
- Điều trị nếu phát hiện nhiễm HP:
Nếu xét nghiệm HP dương tính, cần khám chuyên khoa tiêu hóa để bác sĩ đánh giá và đưa ra phác đồ điều trị triệt để.