Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nhận tiền trông cháu, mẹ chồng "ăn đủ" thái độ hỗn hào của con dâu, 6 năm sau thì chỉ biết trào nước mắt

Tôi tự nhủ, nếu sau này có đứa con nào mời tôi lên thành phố trông cháu, tôi nhất định không nhận nữa.

Tâm sự của độc giả trên báo VietNamNet:

Tôi từng nghĩ, ở tuổi gần đất xa trời, mình sẽ sống bình yên bên gia đình, con cháu. Nhưng hóa ra, sự hy sinh của người làm bà như tôi lại chẳng được con cái cảm thông mà còn gây thêm hiểu lầm, khiến tình cảm mẹ con xa cách.

Cách đây 6 năm, con trai gọi điện về quê, nhờ tôi ra thành phố trông cháu. Vợ chồng con trai mới sinh con đầu lòng, không thuê được giúp việc. Dù việc nhà bừa bộn, song tôi vẫn cố gắng thu xếp, lên thành phố giúp đỡ các con.

mechong.jpg Con dâu hối hận vì đã hiểu lầm mẹ chồng. Ảnh minh họa: FP

Trông cháu được một thời gian, con dâu bảo: “Chúng con biếu mẹ 4 triệu/tháng để có thêm đồng ra, đồng vào chi tiêu”.

Tôi nhận, không vì cần tiền mà vì không muốn làm con dâu khó xử. Tôi cũng muốn có đồng ra, đồng vào để thi thoảng mua cái này cái nọ cho cháu, sắm sửa bộ quần áo mà không phải xin tiền con.

Nhưng tôi không ngờ, cũng chính vì vụ việc ấy mà tôi bị mang tiếng là “mẹ chồng tham lam”. Thi thoảng bà hàng xóm sang chơi, lại nói bóng gió về chuyện tôi bị con dâu chê trách chuyện trông cháu nội còn lấy tiền.

Có lần tôi vô tình nghe được chính con dâu thì thầm điện thoại với nhà ngoại: “Bà nội trông cháu mà đòi tiền. 4 triệu mỗi tháng đâu có ít nhưng con vẫn sòng phẳng để khỏi phải lằng nhằng”.

Tôi cười chua chát. Nếu các con không có tôi trông cháu thì cũng phải thuê giúp việc. Tiền tôi nhận chỉ bằng một nửa số tiền thuê giúp việc. Còn nữa, chính con dâu chủ động đưa tiền, chứ tôi nào có đòi hỏi.

Tôi đau đớn vô cùng khi nghĩ đến những lời con dâu nói. Con trai tôi cũng lạnh nhạt với tôi.

6 năm trôi qua, cháu nội đã vào lớp 1, tôi cảm thấy sức khỏe yếu đi nhiều. Một ngày, tôi bảo các con: “Cháu đi học rồi, mẹ quyết định về quê ở với bố các con, chăm lo vườn tược ao chuôm. Mẹ già rồi, muốn nghỉ ngơi”.

Con dâu đồng ý ngay và tỏ ra nhẹ nhõm.

Ngày chuẩn bị về quê, tôi gọi con dâu lại, đưa cho con một chiếc hộp nhỏ, bên trong là mấy chỉ vàng. Con sững sờ: “Mẹ… sao lại có vàng?”.

Tôi cười bảo: “Là tiền con gửi cho mẹ mỗi tháng đó. Mẹ tiết kiệm, định sau này cho cháu. Nhưng giờ mẹ nghĩ mình già rồi, giữ mãi không được, đợi cháu nội lớn thì lâu, nay khỏe mai yếu không biết thế nào.

Mẹ gửi cho các con, các con giữ cho cháu. Nếu cần dùng, các con cứ tiêu”.

Con dâu nhìn tôi, nước mắt trào ra, giọng nghẹn ngào: “Con… con xin lỗi… Con cứ nghĩ... Mẹ tha lỗi cho con”. Con trai tôi cũng đứng đó, không nói một lời nhưng mặt cúi gằm, mắt đỏ hoe.

Các con bảo tôi cầm số tiền đó về dưỡng già nhưng tôi từ chối, vì tôi cũng có khoản tiết kiệm trước đó. Chồng tôi là bệnh binh, còn có lương. Ngày đưa tôi về, các con cứ nắm lấy tay mẹ mà xin lỗi.

Suốt 6 năm, tôi đâu đòi hỏi gì, chỉ mong các con hiểu rằng, trông cháu không phải là nghĩa vụ của bà nội. Tôi không có bổn phận phải trông con cho bất cứ đứa con nào.

Tôi lên thành phố vì thương, vì yêu cháu, yêu con. Nhưng các con thì chỉ nhìn vào số tiền 4 triệu mà quên mất những hy sinh của mẹ. Thật may, các con đã hiểu ra và nhận được một bài học giá trị.

Tôi tự nhủ, nếu sau này có đứa con nào mời tôi lên thành phố trông cháu, tôi nhất định không nhận nữa. Cả đời tôi đã vất vả vì các con thì giờ phần chăm cháu là nhiệm vụ của chúng.  

Thông tin từ Tâm lý NHC:

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là câu chuyện muôn thuở. Nhưng trước đây, mọi thứ hiếm khi bị đẩy lên cao trào do con dâu luôn là người phải nhún nhường, chịu đựng.

Hiện nay, các nàng dâu đã trở nên tự tin và quyết đoán hơn. Thay vì chịu đựng, không ít người mạnh dạn bày tỏ quan điểm, mong muốn được sống theo ý muốn của bản thân.

Điều này góp phần thay đổi những quan niệm cổ hủ về phụ nữ. Tuy nhiên, xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu sẽ trở nên gay gắt hơn nếu không khéo léo trong cách cư xử.

Không ít người đã phải lựa chọn giữa mẹ và vợ do cả hai không thể hòa hợp. Dù không nhiều, nhưng đã có những cặp đôi phải ly dị do mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu không thể giải quyết.

Mâu thuẫn này sâu sắc đến nỗi khiến không ít nữ giới lựa chọn cuộc sống độc thân hoặc chỉ kết hôn nếu được ở riêng và không phải sống chung với gia đình chồng.

Nguyên nhân cốt lõi của mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu

Mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau tùy vào thời đại và hoàn cảnh cụ thể. Dù vậy, cốt lõi của vấn đề vẫn là những nguyên nhân sau:

1. Quan niệm khác biệt

Quan niệm khác biệt giữa hai thế hệ khiến mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu trở nên gay gắt. Ngày xưa, quán xuyến việc nhà, chăm sóc bố mẹ và con cái là nhiệm vụ của người phụ nữ. Nam giới thì có trách nhiệm làm việc và nuôi gia đình.

Nhưng ngày nay, vai trò của phụ nữ đã khác. Phụ nữ vẫn có thể học tập, làm việc và tạo ra kinh tế. Do đó, hai vợ chồng hoàn toàn có thể cùng nhau vun vén việc nhà, không có sự phân biệt rạch ròi như trước.

vấn để mẹ chồng nàng dâu
Sự khác biệt về quan niệm sống là nguyên nhân phổ biến dẫn đến mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu
Nhưng với người có quan niệm lạc hậu, việc đàn ông tham gia chuyện bếp núc, quét dọn nhà cửa là khó chấp nhận. Chính điều này đã gây ra mâu thuẫn kéo dài giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Nếu người chồng không có trách nhiệm và cho rằng việc nhà, việc chăm sóc con cái là của người vợ, mâu thuẫn vợ chồng là điều không thể tránh khỏi.

Bản thân người phụ nữ độc lập về tài chính khó có thể nhường nhịn và chịu đựng những bất công trong cuộc sống. Vì vậy nếu mâu thuẫn không được giải quyết, chuyện đổ vỡ là điều tất yếu.

2. Mẹ chồng không hài lòng về con dâu

Mẹ chồng luôn muốn tìm cho con trai một người vợ hiền lành, đảm đang và giỏi quán xuyến việc nhà. Họ hy vọng có người có thể thay mình chăm sóc con một cách chu đáo.

Nếu con trai lấy người vợ không đáp ứng được những tiêu chuẩn trên, mẹ chồng thường có thái độ khó chịu và luôn chú ý đến những thiếu sót của con dâu.

Trên thực tế, ngay cả khi người con dâu có nhiều ưu điểm như giỏi giang, tháo vát,… thì hai bên vẫn khó tránh khỏi những suy nghĩ khác biệt. Mẹ chồng vẫn luôn tìm được những điểm chưa hoàn thiện để phàn nàn, chỉ trích.

Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp con dâu thật sự có quá nhiều khuyết điểm, cách cư xử thiếu thấu đáo khiến mẹ chồng không hài lòng.

3. Hoàn cảnh gia đình không tương xứng

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu có thể nảy sinh do hoàn cảnh của hai gia đình không tương xứng. Vấn đề “môn đăng hộ đối” vẫn có ảnh hưởng nhất định, dù tư tưởng của xã hội đã thoáng hơn.

Tình trạng thường gặp nhất là gia đình con dâu thiếu thốn, không khá giả. Nhiều mẹ chồng có suy nghĩ con dâu lấy con trai của mình vì tiền bạc, vì muốn “đào mỏ”.

mẹ chồng nàng dâu bằng mặt không bằng lòng
Nhiều người mẹ chồng không hài lòng với gia cảnh của con dâu vì sợ con trai bị lừa gạt, đào mỏ
Gia đình con dâu quá giàu có cũng là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn. Mẹ chồng có thể cho rằng con dâu thiếu sự tôn trọng nhà chồng, không quán xuyến việc nhà do được gia đình nuông chiều.

Dù thời đại có thay đổi, sự chênh lệch về hoàn cảnh của hai gia đình cũng đều là nguồn cơn của mâu thuẫn nếu mẹ chồng, nàng dâu không thật sự thấu hiểu nhau.

4. Mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống vợ chồng

Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu còn là do mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con cái.

Thực tế, không ít mẹ chồng đưa ra quyết định thay con cái về nhiều vấn đề như kế hoạch lễ cưới, trang trí phòng tân hôn, thời điểm sinh con, quản lý tài chính,…

Tuy nhiên ngày nay, các cặp đôi muốn sống độc lập và tự đưa ra quyết định, thay vì sống theo sự sắp đặt của gia đình. Can thiệp quá sâu vào cuộc sống vợ chồng khiến mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu dần nhen nhóm.

5. Khác biệt về cách nuôi dạy trẻ nhỏ

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu cũng có thể bắt nguồn từ quan điểm khác biệt về cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ nhỏ. Mẹ chồng thường nuôi dạy con cái dựa trên kinh nghiệm và quan niệm dân gian.

Tuy nhiên trên thực tế, một số quan niệm dân gian hoàn toàn không phù hợp với thời đại. Thậm chí chúng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.

Nàng dâu thì luôn muốn chăm sóc con theo cách của bản thân. Nếu mẹ chồng can thiệp quá sâu, mâu thuẫn và tranh cãi là điều không thể tránh khỏi.

Trong trường hợp không thống nhất được cách nuôi dạy và chăm sóc trẻ, mẹ chồng và nàng dâu khó có thể duy trì được sự hòa thuận như trước.

Ngoài ra, tâm lý phụ nữ sau sinh rất nhạy cảm. Nếu họ thường xuyên bị chì chiết, phàn nàn và không nhận được sự quan tâm từ chồng, nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, rối loạn lo âu, stress, suy nhược cơ thể,… là rất cao.

6. Do cách cư xử của người chồng

Người chồng có vai trò là cầu nối giúp mẹ và con dâu trở nên thấu hiểu và gắn kết hơn. Nếu có cách cư xử khéo léo, mọi mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu hoàn toàn có thể hóa giải.

Ngược lại, nếu người chồng có cách cư xử thiếu thấu đáo, mâu thuẫn có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Thậm chí, người chồng buộc phải lựa chọn giữa mẹ và vợ.

Những người đàn ông biết chia sẻ, lắng nghe và tinh tế sẽ giúp cả mẹ và vợ trở nên thấu hiểu, nhường nhịn nhau. Như vậy, sự êm ấm, hòa thuận trong gia đình sẽ không bị ảnh hưởng

Cách giải quyết, hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Bản thân mẹ chồng và nàng dâu cần có cách ứng xử phù hợp để hóa giải hiểu lầm, xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình.

Bí quyết sau hóa giải mâu thuẫn, xung đột

1. Hướng giải quyết cho con dâu

Trong một số cuộc mâu thuẫn, đôi khi lỗi thuộc về ai không thật sự là vấn đề quan trọng. Việc tranh cãi để xác định ai đúng – ai sai có thể đẩy mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu đến bờ vực thẳm.

Tuy nhiên, nàng dâu cũng không nên lờ đi các mâu thuẫn để giữ sự êm ấm cho gia đình. Những khúc mắc không được gỡ rối có thể gây ức chế tâm lý lâu dài dẫn đến nhiều mâu thuẫn sâu sắc hơn trong tương lai.

Chia sẻ với chồng: Nàng dâu nên thẳng thắn chia sẻ với chồng để được lắng nghe và chia sẻ. Chồng là người hiểu rõ tính cách, quan điểm và sở thích của mẹ. Bạn có thể dựa trên gợi ý từ chồng để ứng xử khéo léo, phù hợp hơn.

Tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân: Người mới kết hôn không có kinh nghiệm nắm bắt tâm lý, hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu. Vì vậy, bạn nên trao đổi với bạn bè, người thân đã có kinh nghiệm để giải quyết vấn đề êm đẹp.

Luôn tôn trọng mẹ chồng: Người lớn tuổi luôn có những quan niệm sống lạc hậu, không phù hợp với hiện tại rất khó thay đổi. Do đó, thay vì thẳng thắn bác bỏ thẳng thừng, bạn cần thể hiện sự tôn trọng, và lựa chọn thời điểm thích hợp để trò chuyện với mẹ. Sự chân thành, tôn trọng sẽ giúp mẹ chồng hiểu được thành ý và ngày càng yêu quý bạn hơn thay vì giữ thái độ thù địch.
Hoàn thiện bản thân: Nấu nướng, dọn dẹp, quản lý chi tiêu, may vá đơn giản,… vẫn là những kỹ năng sống cần thiết. Do đó dù có dành thời gian cho công việc, bạn vẫn nên có thời gian chăm sóc gia đình và chồng con. Sự thay đổi tích cực từ nàng dâu sẽ khiến mẹ chồng hài lòng hơn, từ đó có thể hòa giải được những mâu thuẫn.

Giữ sự riêng tư trong cuộc sống vợ chồng: Vì khác biệt giữa hai thế hệ nên đôi khi mẹ chồng sẽ không hiểu được suy nghĩ của bạn và chồng. Vì vậy, cả hai nên thống nhất một số vấn đề nên giữ riêng tư để tránh nảy sinh mâu thuẫn và xung đột.

Mẹ chồng có thể không yêu thương bạn như mẹ đẻ nhưng dù sao bạn vẫn cần giữ thái độ đúng mực, luôn tôn trọng và quan tâm mẹ chồng trong mọi hoàn cảnh.

Để hòa giải mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu thật sự không dễ dàng. Tuy nhiên nếu nỗ lực, bạn hoàn toàn có thể giữ cho gia đình êm ấm và nhận được sự công nhận từ mẹ chồng.

2. Cách hóa giải dành cho mẹ chồng

Ngoài hướng giải quyết từ con dâu, mẹ chồng cũng cần nhìn nhận lại vấn đề đề có thể hòa giải mâu thuẫn, và giữ cho con cái cuộc sống hôn nhân êm ấm, hạnh phúc.

Quan niệm mỗi thời mỗi khác. Thay vì áp đặt con cái, mẹ chồng nên học cách chấp nhận những thiếu sót của con dâu. Hãy giúp các con ngày một hoàn thiện để xây dựng mái ấm hạnh phúc.

Mẹ chồng nên bao dung và khuyến khích con dâu dần hoàn thiện bản thân thay vì chì chiết, trách móc
Mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu chính là nguồn cơn của nhiều hệ lụy, rạn nứt. Nếu không được giải quyết, mâu thuẫn sẽ trở nên sâu sắc, đục khoét khiến cho sợi dây ràng buộc giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo.

Là người có kinh nghiệm sống dày dặn hơn, mẹ chồng nên bao dung, tha thứ những thiếu sót của nàng dâu và khéo léo trong cách cư xử để con dâu hiểu được tâm lý của người làm mẹ.

Nhật Hạ (t/h)