Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nhiệt huyết tuổi trẻ và khúc tráng ca Đoàn tàu không số

Bước sang tuổi 88, nhưng cụ Phạm Văn Bát (SN 1936) ở xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vẫn giữ được vẻ quắc thước, tinh anh. Giọng nói của cụ vẫn sang sảng, hùng hồn khi nhớ về một thời lênh đênh trên những chuyến tàu của đoàn Tàu không số huyền thoại….

Trốn nhà đi bộ đội

Sinh ra trong cảnh loạn lạc nghèo đói, như nhiều người con khác ở quê hương Thái Bình, chàng thanh niên Phạm Văn Bát cũng luôn có ước mơ một ngày nào đó đất nước đuổi được bọn thực dân, đế quốc xâm lược. Nhớ lại ngày ấy, cụ Bát bảo: “Nhà nghèo lắm, làm chả đủ ăn, vì đông người nên thường trong cảnh thiếu thốn. Lúc đó, phong trào đấu tranh ở quê ngày càng sục sôi nên lúc nào tôi cũng mong lớn lên chút nữa là xung phong vào Đoàn Vệ quốc hoặc đi bộ đội”.

chien-binh-2-1725015944.jpeg
Cụ Bát bên những huân, huy chương được trao tặng
 

Thế rồi, bước vào tuổi 16, chàng thanh niên Phạm Văn Bát khi đó mới được hơn 40kg trốn nhà đi bộ đội. Từ xóm Long Bối (hay còn gọi là “xóm Bọng Rện”, xóm sâu xa nhất của làng Bái), Bát lội bộ qua những con mương, đi xuyên cánh đồng làng Cốc để đến chỗ tuyển quân, xung phong ghi tên vào bộ đội. Đến cánh đồng làng Cốc, cách nhà chừng 1km, người anh trai của Bát là ông Phạm Tất Trác đi làm đồng về bắt được, lôi cổ về nhà, bắt lấy vợ để giữ chân, không cho em trai mình đi bộ đội.

Khi đó, chiến tranh chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Người anh chỉ vì một suy nghĩ, đó là lo lắng cho đứa em xung phong ra tiền tuyến, đối mặt với hòn tên mũi đạn. Cái cách giữ chân em ở nhà, không cho đi bộ đội bằng việc bắt lấy vợ, thế mà thật. Cả nhà mang cau trầu sang làng Nguyễn (xã Nguyên Xá), cách làng Bái một quãng đồng, hỏi cô thiếu nữ Cầu Thị Thái (SN 1934, hơn Bát 2 tuổi) về làm vợ cho em. Nhưng, quyết tâm sắt đá của Bát không lay chuyển. Tháng 9/1953, chàng trai ấy vẫn trốn nhà đi bộ đội, để lại người vợ trẻ ở quê.

Tháng 9/1953, chiến sĩ Phạm Văn Bát biên chế tại C59, D48, E57, F304; tháng 4/1961, được phong quân hàm Thượng sĩ, B trưởng; từ tháng 4/1961 – 4/1964, cụ Bát được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân tại Sơn Tây.

Ra trường với quân hàm Thiếu uý, cụ Bát khi đó nhận nhiệm vụ về Lữ đoàn 125 – đơn vị Tàu không số, tiền thân của Quân chủng Hải quân ngày nay, từ tháng 4/1964 cho đến tháng 12/1975.

Ký ức về những lần “truy điệu sống” trên chuyến Tàu không số

Tháng 4/1964, nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn 125, Thiếu uý Phạm Văn Bát được phân về Tàu 68, D2, được phân công vận chuyển vũ khí, cán bộ tiếp tế cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của đồng bào, nhân dân miền Tây Nam Bộ.

chien-binh-1-1725015944.jpeg

Cụ Bát đang kể về chuyến hải trình của Tàu 154 vào sông Gành Hào (Cà Mau)

 

Tậm sự với PV ĐS&PL, cụ Bát cho biết: “Khác với các đơn vị không quân, lục quân, nhiệm vụ của người chiến sĩ hải quân trên Tàu không số là tìm cách tránh địch để bảo vệ hàng hóa; giữ bí mật tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt. Trên mỗi tàu đều được cài sẵn những khối lớn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ tức thì được khởi động bằng tay và bằng điện. Mỗi cuộc hành trình, các thủy thủ đoàn đều được đơn vị tổ chức “Lễ truy điệu sống” trước khi khởi hành, bởi nếu bị địch phát hiện, thuỷ thủ đoàn sẽ tự kích nổ, huỷ tàu để giữ bí mật”.

Cũng theo lời cụ Bát, từ đảo Hải Nam, hành trình vào Nam không đi theo cung đường có sẵn, tàu phải đi men theo đường vòng thùng, vòng qua Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, qua vĩ độ 0, đến đảo Natonan Bắc (một trong các đảo của Malaysia), khi nhìn thấy đảo Hòn Khoai mới bẻ lái vào vùng nội thuỷ, rồi sau đó tìm đường đến các bến tàu vào các tỉnh miền Tây.

Trong hải trình cam go ấy, một chuyến tàu vận chuyển tiếp tế vũ khí, đạn dược, hàng hoá và cán bộ của Đoàn tàu không số, hành trình mất trên dưới 3 tuần để từ Bắc vào Nam, tuỳ thuộc vào thời tiết bão gió, biển động hay tĩnh lặng và sự tuần tra của máy bay, tàu địch...

Trong năm 1965, Thiếu uý Phạm Văn Bát đã tham gia vận chuyển an toàn, trót lọt 2 chuyến tàu hàng vào Cà Mau. Từ tháng 1/1966, tình hình trên biển Đông, Hạm đội 7 của Mỹ hoạt động mạnh, tàu 68 tạm dừng đi vận chuyển, tập trung vào xây dựng đơn vị Tàu Quyết Thắng… “Không phải chuyến hành trình nào cũng an toàn, trót lọt. Khi ra đến giữa biển, phát hiện máy bay địch, tàu tuần tra của địch theo dõi, bám đuôi…, chúng tôi phải cắt mọi liên lạc trên tàu, không liên hệ với đất liền… để địch không dò ra được tần số sóng của ta, chỉ thuần tuý như những tàu đánh cá khác. Trên tàu trang bị hoả lực nhưng trùm lưới đánh cá kín mít để nguỵ trang. Mỗi tàu có 100kg bộc phá được cài ở 5 điểm xung quanh thân tàu, trường hợp gặp địch, sẽ phải phá huỷ tàu để đảm bảo bí mật, đảm bảo vũ khí, đạn dược và hàng hoá không rơi vào tay địch”, cụ Bát chia sẻ.

chien-binh-3-1725015944.png

Con tàu duy nhất còn lại của Đoàn tàu không số mang tên HQ-671

 

Một trong rất nhiều những chuyến tham gia vận chuyển hàng hoá, đạn dược, vũ khí chi viện cho miền Nam mà cụ Bát nhớ nhất, đó là chuyến hải trình của Tàu 154 vào sông Gành Hào (Cà Mau). Khi tàu chuẩn bị cập cảng thì máy bay địch tới. Với tinh thần cảnh giác cao độ, chỉ huy tàu đã yêu cầu máy trưởng bẻ lái, hướng con tàu ra phía biển mà không theo hành trình cũ. Máy bay do thám của địch bám theo hàng giờ đồng hồ, khi thấy chiếc “tàu đánh cá” lùi lũi tiến ra khơi mới chịu rời đi. Lúc này, tàu mới tiếp tục quay lại hành trình cũ, giao hàng an toàn chi viện cho miền Nam ruột thịt…

Tháng 6/1982, cụ Phạm Văn Bát được đơn vị cho nghỉ hưu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ kiên cường trong Đoàn tàu không số. Với những chiến công, đóng góp của Thiếu tá Phạm Văn Bát, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã trao tặng Thiếu tá Phạm Văn Bát 5 Bằng khen; 3 Huy chương Chiến sĩ vẻ vang; 1 Huân chương Quân công Hạng 1; Huân chương Kháng chiến; Huân chương Chiến công... Năm 2022, người cựu chiến binh của Đoàn tàu không số Phạm Văn Bát nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng trên mảnh đất quê hương.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để trực tiếp chi viện vũ khí, hàng hóa và nhân lực cho Cách mạng miền Nam, cùng với con đường vận tải dọc Trường Sơn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông. Trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Lữ đoàn 125 đã huy động được gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kĩ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Những con tàu ấy đã vượt hàng ngàn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi với hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch.

 

Nguyễn Bắc