Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Những lưu ý quan trọng cho những người đóng BHXH từ 1/1/2025

Theo đại diện BHXH: Lộ trình tiến tới lương hưu của người lao động khu vực nhà nước được tính trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cả quá trình là phù hợp nguyên tắc đóng - hưởng.

Dẫn theo báo Thế giới & Việt Nam: Quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025), mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu của người lao động thuộc khu vực nhà nước được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của một số năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Cụ thể, nếu người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu được quy định như sau:

- Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

Như vậy, nếu bắt đầu tham gia BHXH từ 2025, mức lương hưu của người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định sẽ được tính dựa trên toàn bộ quá trình đóng giống như người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Vì sao có sự thay đổi này?

Thông tin trên Tạp chí điện tử Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, quy định về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần tại Luật BHXH sửa đổi năm 2024 được kế thừa từ Luật BHXH năm 2014.

Một trong những nguyên tắc của BHXH là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng BHXH. Việc quy định lộ trình tiến tới lương hưu của người lao động khu vực nhà nước được tính trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ quá trình là phù hợp với nguyên tắc trên.

Ngoài mức hưởng trên, căn cứ vào thời gian bắt đầu tham gia BHXH, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định còn được điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.

Theo đó, người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước 1-1-2016, được điều chỉnh theo mức lương cơ sở/mức tham chiếu tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí; Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ 1-1-2016 trở đi, được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ (như người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định).

Cách tính lương hưu bình quân khi tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025
Căn cứ theo điểm g khoản 1 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (sửa đổi tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH) thì người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi sẽ được tính như sau:

Mbqtl =Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của của toàn bộ thời gian đóng / Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội

Trong đó:

Mbqtl: mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương đã được điều chỉnh theo quy định.

Nhật Linh (t/h)