
Công ty Cổ phần Asia Life có trụ sở tại số 18/99 Nguyễn Văn Linh, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là doanh nghiệp đối tác sản xuất kẹo rau củ Kera cho Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục.
Ngày 4/4, Bộ Công an cũng thông tin việc đã khởi tố vụ án Sản xuất hàng giả xảy ra tại Công ty cổ phần Asia Life và Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt xảy ra tại TPHCM và Đắk Lắk.
Cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Asia Life; Lê Tuấn Linh, Giám đốc, đại diện pháp luật và Lê Thành Công, thành viên hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt.
Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs), thành viên hội đồng quản trị và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt.
Liên quan vụ việc, Hoa hậu Thùy Tiên cũng bị tạm hoãn xuất cảnh từ 15/3 đến 15/5 để phục vụ công tác xác minh.
Theo thông tin từ báo Dân trí, ông Trần Kim Phụng, Chủ tịch UBND xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, cho biết, vào tháng 2, phía Công ty Cổ phần Asia Life đã trực tiếp xuống xã trao đổi về việc muốn hỗ trợ, tài trợ cho nông dân sản xuất cây trồng.
Theo ông Phụng, ông Nguyễn Phong (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Asia Life - đơn vị sản xuất kẹo rau Kera liên quan vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm) đã làm việc, hỗ trợ và có hơn 10 hộ dân của địa phương trồng khoảng 4ha gừng.
"Công ty này hỗ trợ về giống, phân bón, cày đất đai để bà con trồng gừng và có cam kết sản phẩm nếu nông dân không bán được bên ngoài, công ty sẽ thu mua.
Họ cũng nói vào tháng 6, chờ Quang Linh Vlogs đi Angola về sẽ xuống tiếp tục hỗ trợ bà con trồng dứa. Gần đây tôi có gọi hỏi lại thì công ty báo bận, sẽ liên hệ sau rồi không thấy phản hồi nữa", ông Phụng cho hay.
Cũng theo ông Phụng, từ lời hứa của công ty, phía xã đã lập sẵn danh sách của 40 hộ dân, bà con ai cũng háo hức vì có đơn vị tài trợ chuyển đổi cây trồng.
"Tôi cũng có nghe thông tin công ty này đang bị công an điều tra nên cũng động viên bà con chăm sóc gừng cho tốt. Đến ngày thu hoạch, phía xã sẽ hỗ trợ tìm đơn vị thu mua để bà con đỡ lo lắng", Chủ tịch UBND xã Yang Mao nói.
Còn theo ông Võ Tấn Trực, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Bông, ngày 6/3, ông Nguyễn Phong của Công ty Cổ phần Asia Life đến huyện đề nghị hỗ trợ pháp lý để giúp nông dân của địa phương trồng đậu cùng một số cây trồng khác.
"Nghe thấy đơn vị hỗ trợ cho nông dân, huyện cũng rất vui mừng. Họ hẹn ngày 7/3 sẽ xuống huyện để khảo sát thổ nhưỡng tại xã Yang Mao nhưng hôm đó cũng không thấy và im bặt cho đến nay", ông Trực nói thêm.
Trước khi bị bắt, Giám đốc công ty là ông Lê Tuấn Linh cũng từng cam kết nguyên liệu được thu mua từ các vùng ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Thuận, "đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng". Trên các phiên livestream từng được phát, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục hay Hoa hậu Thùy Tiên cũng quảng cáo kẹo rau này có thể dùng cho cả trẻ em, tốt cho sức khỏe, "một viên thay thế một đĩa rau xanh"...
Tuy nhiên, theo lãnh đạo cơ quan điều tra, thay vì thu mua từ các nông trại của nhà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Chủ tịch Công ty cổ phần Asia Life đã chỉ đạo nhân viên mua sẵn bột rau có các hàm lượng dưới mức tiêu chuẩn (0,61-0,75%), trong khi công bố là 28%.
Đáng chú ý, kẹo rau củ Kera còn có chất sorbitol chiếm tỷ lệ 35% thành phần cùng các chất phụ gia khác song không được công bố cho người tiêu dùng biết. Nhiều người đã mua kẹo rau củ Kera bởi tin tưởng có chức năng tốt cho tiêu hóa, nhuận tràng, như lời quảng cáo. Tuy nhiên, nhuận tràng lại đến từ sorbitol.
Theo công bố mới nhất của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở kiểm tra và kết quả kiểm nghiệm mẫu an toàn thực phẩm tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, Công ty cổ phần Asia Life đã có 4 hành vi vi phạm hành chính.
Doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ về theo dõi nhiệt độ, độ ẩm đối với nguyên liệu, sản phẩm tại khu vực chứa đựng, kho bảo quản; Cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc đối tượng bắt buộc thiết lập và áp dụng hệ thống phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) đã có thiết lập nhưng không áp dụng đầy đủ trong thực tế.
Bên cạnh đó, công ty còn sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố; buôn bán, lưu thông sản phẩm thực phẩm có thêm chất phụ gia so với tiêu chuẩn đã công bố. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 2.080 hộp, với tổng số tiền là 67,5 triệu đồng.