Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) thành phố Hà Nội, lúc 23h30 ngày 10/9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) 10,5m - ở mức báo động báo động 2.
Căn cứ vào tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN thành phố Hà Nội đã ban hành lệnh Báo động lũ mức 2 trên sông Hồng tại địa phận các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.
Trong bối cảnh mưa lũ đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các vùng thượng nguồn của hệ thống sông Hồng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Công điện khẩn chỉ đạo toàn thành phố tập trung ứng phó với lũ lớn trên các tuyến sông. Công điện nhấn mạnh, mực nước tại sông Hồng, sông Đà và các nhánh sông đang lên nhanh chóng. Đặc biệt, trên lưu vực sông Đà, hồ Hòa Bình đã mở 2 cửa xả đáy và sẽ tiếp tục mở thêm để giảm áp lực nước.
Mực nước các con sông trên địa bàn Hà Nội hiện đang rất cao. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tất cả các cấp chính quyền, ban ngành và tổ chức có liên quan chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và tài sản.
Các cơ quan, đơn vị tại địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo cho người dân ở các khu vực có nguy cơ cao về mưa lũ để họ có kế hoạch phòng tránh, sơ tán nếu cần thiết. Đặc biệt, những khu vực ven sông, vùng trũng thấp cần được ưu tiên cảnh báo sớm để người dân kịp thời di dời.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải thường xuyên kiểm tra tình hình xả lũ từ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, nhất là các hồ lớn như Hòa Bình và Thác Bà. Đồng thời, chính quyền địa phương cần chủ động sơ tán người dân khỏi những khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao, đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, nước uống và thuốc men tại các điểm sơ tán an toàn.
Đáng chú ý, sáng 11/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, trong 12-24h tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3.
Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.