Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ô tô bị tông toác đầu vì đỗ gần đường tàu: Tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư cho rằng, dù chiếc ô tô bị tàu đâm nát đầu, nhưng do đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt nên tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
do-xe-gan-duong-tau-1717660920.webp
Tài xế và chiếc ô tô tại hiện trường bị tàu hỏa tông trúng khi đỗ sát đường ray. Nguồn ảnh: Internet.

Hôm nay, trên các diễn đàn mạng xã hội vẫn liên tục có những chia sẻ, bình luận nhiều chiều xung quanh sự việc xảy ra chiều 5/6 tại ngõ 104 Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Cụ thể, một clip ghi lại khoảng hơn 17h, anh N. (39 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm) đỗ ô tô màu đỏ BKS Hà Nội ngay sát đường tàu. Khi tài xế rời xe ra ngoài thì tàu hỏa đi đến. Dù đã được người dân xung quanh gọi nhưng tài xế không kịp xử lý. Chiếc xe bị tàu hỏa đâm trúng phần đầu, đẩy đi một đoạn, hư hỏng nặng.

Tài xế khi quay lại còn bị đuôi xe ô tô đụng trúng, ngồi thụp xuống lòng đường, gương mặt thất thần, đau đớn.

Công an quận Bắc Từ Liêm đã lên tiếng xác nhận sự việc vào tối cùng ngày.

Chiếc clip nhận được rất nhiều chia sẻ và bình luận. Bên cạnh sự tiếc nuối cho chủ xe thì không ít người bày tỏ quan ngại và coi đây là lời cảnh tỉnh cho mọi người trong vấn đề đậu đỗ xe, để tránh hậu quả đáng tiếc.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho hay: Điểm k, khoản 4, Điều 18, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí “Trong phạm vi an toàn của đường sắt”.

Đối với đường sắt đô thị, phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang (nền đường không đào, không đắp) tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra là 5,4m.

tau-tong-nat-o-to-do-gan-duong-ray-1717662171.jpg
Theo luật sư Nguyễn Công Tín, trong sự việc xảy ra, người vi phạm thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

“Như vậy, việc tài xế xe ô tô dừng, đỗ xe trong phạm vi an toàn đường sắt như thông tin báo chí phản ánh là hành vi vi phạm pháp luật. Rất may mắn, sự việc không gây thiệt hại về người, nhưng tài xế xe ô tô vẫn phải chịu các trách nhiệm pháp lý có liên quan.

Cụ thể, với hành vi vi phạm “Dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt”, người điều khiển xe ô tô có thể bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo điểm d, khoản 3, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi 123/2021/NĐ-CP) và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Trường hợp gây thiệt hại về tài sản của người khác từ 100.000.000 đồng trở lên (ví dụ như trong tình huống này là gây hư hỏng tàu, công trình đường sắt..), người vi phạm thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngoài các chế tài nêu trên, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ các tổn thất do hành vi vi phạm của mình gây ra cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại”, luật sư Tín đưa góc nhìn pháp lý.

Một trong những giả thuyết được dư luận quan tâm về vụ việc này đó là vấn đề bảo hiểm. Theo luật sư Tín, về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, đây là bảo hiểm mà chủ xe cơ giới bắt buộc phải tham gia, phạm vi bảo hiểm được quy định tại khoản 1, Điều 7, Nghị định 67/2023/NĐ-CP.

Theo đó, trừ trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại sau: (1) Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với người thứ ba do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra; (2) Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách trên chiếc xe đó do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.

Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được nêu tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP như hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại; Người lái xe không đủ điều kiện về độ tuổi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ…

“Như vậy, trong tình huống này, nếu xác định người điều khiển xe không cố ý gây thiệt hại và không thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm khác, thì đối với thiệt hại của bên thứ ba (như thiệt hại do hư hỏng tàu, công trình đường sắt…) vẫn được bảo hiểm thanh toán. Tuy vậy, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô gây ra là không quá 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn”, luật sư Tín cho biết.

Về băn khoăn của một số ý kiến liên quan đến vấn đề nếu xe mua bảo hiểm thì có được đền bù không, vì xe bị đâm hỏng khi đỗ sát đường tàu, luật sư Tín cho biết đây là trường hợp bảo hiểm tự nguyện.

“Trên thị trường hiện nay, chủ xe cơ giới có thể lựa chọn tham gia các gói bảo hiểm tự nguyện, thông thường là bảo hiểm vật chất, bảo hiểm thân vỏ. Với bảo hiểm tự nguyện thì phạm vi, đối tượng bảo hiểm, các trường hợp loại trừ bảo hiểm… được thực hiện theo thỏa thuận của các bên và được ghi nhận tại Hợp đồng bảo hiểm hoặc Quy tắc bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành”, luật sư Tín cho hay.

Nhật Hạ