Tổng thống Mỹ Joe Biden và nữ “Phó tướng” Kamala Harris của ông vừa công bố một sắc lệnh hành pháp mới nhằm giải quyết tình trạng bạo lực súng đạn trong bối cảnh vấn đề này là một trọng tâm trong quá trình vận động tranh cử của ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ và đối thủ từ Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Sắc lệnh được công bố hôm 26/9 nhằm thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới chuyên chống lại các mối đe dọa từ vũ khí mới nổi gây ra tại Mỹ, bao gồm súng in 3D và súng chuyển đổi.
Lực lượng đặc nhiệm cũng sẽ xem xét sự gia tăng nhanh chóng của súng in 3D, loại súng dễ dàng được in bằng mã Internet và không thể theo dõi vì chúng không có số sê-ri. Lực lượng đặc nhiệm phải nộp báo cáo trong vòng 90 ngày – không lâu trước khi ông Biden rời nhiệm sở.
Sắc lệnh cũng kêu gọi các cơ quan liên bang xây dựng hướng dẫn cho các trường học về các cuộc diễn tập phòng chống xả súng tại trường học để giảm thiểu tác hại tâm lý tiềm ẩn đối với học sinh.
“Việc ngày nay thiếu hướng dẫn về cách chuẩn bị cho học sinh trong khi giảm thiểu chấn thương tâm lý do các cuộc diễn tập phòng chống xả súng gây ra là không thể chấp nhận được”, ông Biden cho biết trong một cuộc họp báo tại Washington DC hôm 26/9.
Đề cập đến sắc lệnh hành pháp mới nhằm cải thiện cuộc diễn tập phòng chống xả súng tại trường học, Tổng thống Mỹ cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải ký một thứ gì đó như thế này, nhưng chúng ta phải làm”. Ông Biden gọi tác động của các thiết bị chuyển đổi súng máy – vũ khí có khả năng biến một khẩu súng ngắn thành súng hoàn toàn tự động – là “thảm khốc”.
Bà Harris bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với tu chính án thứ hai của Hiến pháp Hoa Kỳ, bảo vệ quyền của người Mỹ được giữ và mang vũ khí, đồng thời ủng hộ lệnh cấm vũ khí tấn công và thông qua các cuộc kiểm tra lý lịch phổ quát, luật lưu trữ an toàn và luật cờ đỏ.
“Quốc gia của chúng ta đang trải qua một đại dịch bạo lực súng đạn”, bà Harris phát biểu trong cuộc họp báo bên cạnh ông Biden. “Chúng tôi biết rằng tình trạng bạo lực này phổ biến gây ra chấn thương mà thường không được chẩn đoán và điều trị, điều đó có nghĩa là hậu quả của nó là từ thời điểm đó và kéo dài suốt đời”.
Nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra rằng các diễn tập phòng chống xả súng tại trường học, mặc dù rất phổ biến ở các trường học Mỹ, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe tâm thần của những người tham gia. Một nghiên cứu do Georgia Tech thực hiện thay mặt cho nhóm Everytown for Gun Safety đã phát hiện ra rằng các cuộc diễn tập như vậy có liên quan đến việc tăng 39% tỉ lệ trầm cảm và tăng 42% tỉ lệ căng thẳng và lo lắng.
“Mục đích (của sắc lệnh mới) là giúp các trường cải thiện các cuộc diễn tập để họ có thể chuẩn bị hiệu quả hơn cho tình huống xả súng đồng thời ngăn ngừa hoặc giảm thiểu mọi chấn thương có thể xảy ra do các cuộc diễn tập được thực hiện kém”, ông Stef Feldman, Giám đốc Văn phòng Phòng chống Bạo lực Súng đạn của Nhà Trắng, phát biểu với các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm 25/9.
Các câu hỏi về quyền tiếp cận súng cũng đã trở thành một vấn đề trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, với việc ông Trump tuyên bố trong cuộc tranh luận với bà Harris hồi đầu tháng này rằng đối thủ của ông “muốn tịch thu súng của các vị”. Bà Harris đã mạnh mẽ phản bác cáo buộc đó, lưu ý rằng bà và người bạn đồng hành tranh cử của bà, Tim Walz, đều sở hữu súng.
Trong một cuộc trò chuyện trên truyền hình vào tuần trước, bà Harris cho biết bà không ngại sử dụng súng để tự vệ, bà nói rằng: “Nếu ai đó đột nhập vào nhà tôi, họ sẽ bị bắn”.
Khi được hỏi về những bình luận gần đây của bà Harris, một viên chức Nhà Trắng đã nói với các phóng viên rằng những bình luận này cho thấy quyền sở hữu súng không trái ngược với các quy định “thông thường” về vũ khí.
“Đây thực sự là một ví dụ điển hình về sự thật trên khắp đất nước: Bạn có thể là chủ sở hữu súng và cũng ủng hộ luật an toàn súng đạn”, viên chức này cho biết. “Thực sự không có xung đột nào giữa việc sở hữu súng và việc trở thành người ủng hộ lệnh cấm vũ khí tấn công”.