Ông Trump khẳng định Mỹ sẽ độc lập kinh tế
Trong sự kiện tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã công bố chính sách thuế nhập khẩu mới, áp mức 10% lên tất cả hàng hóa vào Mỹ từ ngày 5/4. Đến ngày 9/4, các mức thuế đối ứng cao hơn sẽ có hiệu lực với các đối tác lớn: Trung Quốc 34%, Việt Nam 46%, Nhật Bản 24%, Ấn Độ 26%, Campuchia 49%, và Liên minh châu Âu (EU) 20%. Một số nước như Anh, Brazil, Singapore chịu mức tối thiểu 10%.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trump nhấn mạnh: “Đây là tuyên ngôn về sự độc lập kinh tế của chúng ta. Nước Mỹ sẽ dùng số tiền từ thuế quan để giảm thuế cho người dân và trả nợ quốc gia. Đã đến lúc chúng ta thịnh vượng, sau nhiều năm bị các nước khác trục lợi.” Ông cam kết chính sách này sẽ đưa việc làm và nhà máy trở lại Mỹ, đồng thời giảm giá cả nhờ sản xuất nội địa tăng trưởng.

Nhà Trắng cho biết Mexico và Canada được miễn thuế đối ứng, nhưng các nước như Trung Quốc và Việt Nam bị áp mức cao nhất. Ông Trump giải thích: “Chúng ta chỉ áp thuế bằng nửa mức họ áp lên chúng ta. Tôi có thể làm mạnh hơn, nhưng không muốn gây khó khăn cho nhiều nước.” Trên bảng công bố, Nhà Trắng liệt kê mức thuế “các nước đang áp lên Mỹ” như Việt Nam (90%), Trung Quốc (67%), EU (39%), dù không giải thích chi tiết cách tính.
Chính sách thuế của ông Trump gây tranh cãi gay gắt tại Mỹ. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện John Thune ủng hộ nhưng lo ngại: “Tôi đánh giá cao nỗ lực của ông Trump, nhưng tôi lo lắng về tác động đến các tiểu bang nông nghiệp.” Ngược lại, lãnh đạo phe Dân chủ Chuck Schumer gọi đây là “cú đấm tài chính” vào người dân, cảnh báo trên X: “Các gia đình sẽ phải trả thêm 6.000 USD mỗi năm.”
Các nhà kinh tế cũng lo ngại thuế nhập khẩu sẽ đẩy lạm phát tăng, làm gia tăng chi phí sinh hoạt. Nghiên cứu từ Đại học Yale cho thấy nếu thuế tăng thêm 20%, mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ tốn thêm 3.400 USD/năm. Dù vậy, ông Trump vẫn lạc quan, gọi đây là “thời kỳ hoàng kim” của nước Mỹ.
Thế giới dậy sóng phản đối
Quyết định của ông Trump lập tức vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ các đối tác thương mại. Thủ tướng Ireland Micheal Martin gọi mức thuế 20% áp lên EU là “thiếu chính đáng”. Ông nói với Sky News: “Việc phá vỡ mối quan hệ thương mại trị giá 4,2 tỷ Euro mỗi ngày giữa EU và Mỹ không mang lại lợi ích cho ai. Thuế quan sẽ gây lạm phát và tổn hại cho người dân hai bên Đại Tây Dương.”
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cũng lên án: “Các mức thuế này là sai lầm, không có lợi cho Mỹ lẫn Italia. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để tránh chiến tranh thương mại làm suy yếu phương Tây.” Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson kêu gọi quay lại “con đường thương mại” với Mỹ, trong khi Thủ tướng Australia Anthony Albanese cảnh báo người dân Mỹ sẽ chịu thiệt hại lớn nhất.

Các nước như Canada, Trung Quốc và EU đã tuyên bố sẽ trả đũa, làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu. Giới chuyên gia dự báo nếu chiến tranh thương mại bùng nổ, kinh tế thế giới có thể suy thoái, trong khi lạm phát toàn cầu tăng cao.
Thông báo của ông Trump khiến thị trường tài chính rung chuyển. Chỉ số tương lai S&P 500 giảm 1,7%, Nasdaq mất gần 2%, báo hiệu phiên giao dịch ảm đạm trên Phố Wall ngày 3/4. Ngược lại, giá vàng giao ngay thế giới vọt lên 3.159 USD/ounce, mức cao nhất từ trước đến nay, khi nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn.
Các nhà phân tích cảnh báo chính sách bảo hộ của ông Trump có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá hàng hóa tăng và gây áp lực lên người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định đây là cách để “đặt nước Mỹ lên trên hết” và bảo vệ nông dân, công nhân trước cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài.
Hồi tháng 2, ông Trump đã yêu cầu các quan chức thương mại nghiên cứu chính sách thuế đối ứng, gọi ngày 2/4 là “ngày giải phóng” của Mỹ. Ông cho rằng các hiệp định thương mại tự do khiến Mỹ thiệt hại, với 3.000 tỷ USD hàng nhập khẩu mỗi năm và thâm hụt thương mại 1.200 tỷ USD.
Ngoài mục tiêu kinh tế, ông Trump xem thuế nhập khẩu là công cụ kiềm chế buôn lậu ma túy, di cư bất hợp pháp, đồng thời tăng ngân sách và thúc đẩy sản xuất nội địa. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo chính sách này có thể phản tác dụng, làm suy yếu niềm tin đầu tư và tiêu dùng trong nước.