Theo Business Standard, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã bất ngờ leo thang sau vụ tấn công ngày 22/4 tại Pahalgam, một thị trấn thuộc khu vực Ấn Độ kiểm soát ở Kashmir. 26 nạn nhân thiệt mạng chủ yếu là khách du lịch Ấn Độ tới thăm một danh lam thắng cảnh nổi tiếng. New Delhi gọi đây là vụ tấn công khủng bố và cáo buộc Pakistan có liên quan.
Tiếp đó, Ấn Độ và Pakistan đã có hàng loạt động thái trả đũa nhau. New Delhi đã đình chỉ Hiệp ước nước Indus, đóng cửa khẩu Attari, thu hồi visa của công dân Pakisan và giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại phái bộ Pakistan. Đáp trả, Pakistan đình chỉ Hiệp định Simla, thử tên lửa dọc đường biển, dừng dịch vụ thương mại và thị thực với Ấn Độ.
Tình hình xấu đi nghiêm trọng và quân đội cả hai nước được đặt trong tình trạng báo động cao.

Binh sĩ Ấn Độ tại Kashmir. Ảnh: Getty
Đỉnh điểm, sáng sớm 7/5, Ấn Độ đã triển khai chiến dịch quân sự Sindoor, tấn công chính xác vào 9 địa điểm liên quan tới các nhóm bị New Delhi coi là khủng bố ở Pakistan và tại khu vực Pakistan kiểm soát ở Kashmir. Đây là những vụ tập kích sâu nhất vào trong lãnh thổ Pakistan kể từ năm 1971.
Theo các nhà phân tích quốc phòng, bất cứ động thái hay tính toán sai lầm nào cũng có thể đẩy Ấn Độ và Pakistan vào một cuộc xung đột công khai.
Dưới đây là so sánh về năng lực quân sự của cả hai quốc gia:
Quân số và ngân sách
Ấn Độ hiện xếp thứ 4 trong Bảng xếp hạng Chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu năm 2025, trong khi Pakistan ở vị trí thứ 12.
Ấn Độ duy trì khoảng 1,46 triệu quân nhân tại ngũ, với thêm 1,15 triệu binh sĩ dự bị. Quân số thường trực của Pakistan là 654.000 người, được hỗ trợ bởi 500.000 nhân viên bán quân sự.

Ấn Độ cũng có ngân sách quốc phòng lớn hơn, khoảng 79 tỷ USD cho năm tài chính 2026, đánh dấu mức tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, ước tính phân bổ quốc phòng của Pakistan cho cùng năm tài chính là 7,6 tỷ USD, phản ánh khoảng cách đáng kể, tác động đến năng lực hoạt động và hiện đại hóa.
Sức mạnh không quân
Ấn Độ vận hành 2.229 máy bay quân sự, bao gồm 513 máy bay chiến đấu như Rafale, Su-30MKI và Tejas. Với 1.399 máy bay các loại và 328 chiến đấu cơ, Pakistan thua kém đáng kể về cả số lượng và năng lực.
Ấn Độ cũng có lợi thế về trực thăng và máy bay tiếp nhiên liệu trên không, với 899 trực thăng so với 373 của Pakistan, cũng như 6 máy bay tiếp dầu trên không so với 4 của Pakistan.
Mặc dù có quy mô nhỏ hơn, lực lượng không quân Pakistan vận hành các máy bay tương đối hiện đại như chiến đấu cơ JF-17 Thunder và F-16. Tuy nhiên, Pakistan sở hữu nhiều máy bay huấn luyện quân sự hơn, 565 chiếc so với 351 của Ấn Độ, giúp tăng cường khả năng huấn luyện của mình.

Sức mạnh xe tăng và xe bọc thép
Quân đoàn tăng thiết giáp của Ấn Độ có hơn 4.200 xe tăng, trong đó bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 Bhishma do Nga chế tạo và các biến thể Arjun nội địa. Trong khi đó, Pakistan có khoảng 2.627 xe tăng.
Đội xe bọc thép gồm 148.594 chiếc của Ấn Độ cũng gấp 3 lần Pakistan, cho thấy lợi thế rõ ràng trong chiến đấu trên bộ bằng cơ giới.
Sức mạnh hải quân
Hạm đội hải quân của Ấn Độ có 293 tàu, đứng thứ 6 trên toàn cầu, bao gồm 2 tàu sân bay (INS Vikramaditya và INS Vikrant), 13 tàu khu trục và 18 tàu ngầm.
Có thể nói, sức mạnh hải quân này bảo đảm Ấn Độ mở rộng phạm vi hoạt động vượt ra ngoài vùng biển khu vực, đủ điều kiện trở thành lực lượng hải quân "biển xanh" (blue-water navy) có thể hoạt động xa bờ.
Ở chiều ngược lại, hải quân Pakistan vận hành 121 tàu mà không có tàu sân bay hay tàu khu trục nào, duy trì một hạm đội tàu ngầm gồm 8 chiếc.
Phạm vi hoạt động hạn chế dọc theo biển Ả Rập khiến hải quân Pakistan được xếp vào loại hải quân "xanh lục" (green-water navy), chủ yếu giới hạn ở phòng thủ ven bờ.

Vũ khí hạt nhân
Rủi ro về một cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan về vũ khí hạt nhân dường như khá thấp khi xét đến tình hình hiện nay, tuy nhiên không thể không xét đến.
Theo đánh giá của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, mỗi nước đang sở hữu khoảng 170 đầu đạn hạt nhân. Với Pakistan, kho vũ khí hạt nhân được nhận định là biện pháp răn đe quan trọng nhằm ngăn chặn các động thái gia tăng căng thẳng về mặt quân sự từ Ấn Độ - một nền kinh tế lớn hơn rất nhiều.
Trong khi tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch, cả hai quốc gia cũng đang chạy đua phát triển hệ thống phóng đầu đạn, bao gồm các tên lửa có khả năng tấn công tầm xa, có thể vươn sâu vào trong lãnh thổ của đối phương.
Ấn Độ đang duy trì chính sách "không sử dụng trước" vũ khí hạt nhân và chưa tuyên bố về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật (loại có sức công phá thấp, sử dụng trên chiến trường). Trong khi đó, Pakistan đã phát triển loại vũ khí này - tên lửa đạn đạo Nasr (Hatf-9) với tầm bắn khoảng 70 km và giữ quyền “sử dụng trước”.
Cả hai nước đều hướng tới xây dựng hệ thống phóng hạt nhân từ đất liền, biển và trên không. Về tầm bắn, Ấn Độ có lợi thế với tên lửa Agni-V có thể đạt tới 5.000–8.000 km. Những Pakistan cũng đang phát triển tên lửa Shaheen 3 với tầm bắn khoảng 2.750 km, đủ để bao phủ toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ, tùy thuộc vào vị trí phóng.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V của Ấn Độ, với khả năng mang được đầu đạn hạt nhân. Ảnh: al Jazeera.
Lĩnh vực hậu cần
Về mặt hậu cần, Ấn Độ được trang bị rất tốt, với 311 sân bay đang hoạt động, so với 116 sân bay của Pakistan. Ấn Độ cũng có 56 cảng lớn và nhà ga thương mại, trong khi Pakistan chỉ có 3, hạn chế đáng kể chuỗi cung ứng hải quân của họ.
Mạng lưới đường bộ của Ấn Độ trải dài 6,37 triệu km, so với 264.000km của Pakistan, đảm bảo huy động quân đội và vật tư hiệu quả. Năng lực cơ sở hạ tầng này mang lại cho Ấn Độ một lợi thế quan trọng trong việc duy trì các nỗ lực chiến tranh lâu dài.
Vị trí địa lý
Pakistan nắm giữ một số lợi thế về mặt địa lý do các tuyến tiếp tế nội bộ ngắn hơn và trấn giữ các vị trí chiến lược trong khu vực, chẳng hạn như quyền kiểm soát Biển Ả rập và nằm gần Afghanistan.
Tuy nhiên, quy mô tổng thể và đường bờ biển dài 7.000km của Ấn Độ, so với 1.046km của Pakistan, mang lại cho họ đòn bẩy địa chính trị lớn hơn và khả năng tiếp cận các tuyến thương mại toàn cầu.