Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Phải làm gì khi người mượn đất cố tình không trả lại?

Không hiếm trường hợp chủ đất cho thuê, mượn đất nhưng gặp nhiều khó khăn khi thu hồi. Trong trường hợp này, người dân phải làm gì để đảm bảo quyền lợi hợp pháp ?

Chị N.T.H ở Hà Nam hỏi:

Gia đình tôi được giao 5 sào đất nông nghiệp để canh tác trồng lúa, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tôi đã cho gia đình bà H.T.N mượn để cấy lúa khoảng hơn 10 năm nay. Hiện tại gia đình bà N. không sử dụng để trồng lúa mà đào xới mảnh đất đó thành ao, đắp bờ để làm vườn ao chuồng (VAC). Chúng tôi không đồng ý, gia đình đã yêu cầu bà N. phải trả lại mảnh đất trên nhưng người này nhất quyết không thực hiện.

Xin Luật sư tư vấn, gia đình chúng tôi cần làm gì để thu hồi lại mảnh đất này?

ls-ha-1737604614.jpg
Luật sư Hoàng Văn Hà – Công ty luật ARC Hà Nội.

Căn cứ thông tin bạn đọc cung cấp, Luật sư Hoàng Văn Hà – Công ty luật ARC Hà Nội phúc đáp như sau:

Theo quy định tại Điều 26 Luật Đất đai 2024, người sử dụng đất có quyền: Chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai trong phạm vi được pháp luật cho phép; yêu cầu người khác trả lại đất nếu không có sự thỏa thuận hoặc nếu người sử dụng đất bị xâm phạm quyền sử dụng đất.

Trong trường hợp cụ thể của chị H., gia đình chị đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nên chị là người có quyền hợp pháp đối với mảnh đất nông nghiệp này. Việc chị cho bà H.T.N mượn đất chỉ mang tính tạm thời và không làm mất quyền sử dụng đất của chị.

Việc bà N. tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất (từ trồng lúa sang VAC) là vi phạm pháp luật đất đai vì không được sự đồng ý của chị và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Vì vậy chị hoàn toàn có quyền yêu cầu bà N. trả lại đất, vì việc sử dụng đất của bà Ngoan không còn phù hợp với thỏa thuận và quy định pháp luật.

dat-co-vuon-ao-1544798011-1737604630.jpg
Ảnh minh họa.

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chị cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Thương lượng, hòa giải với bà N.; gửi thông báo hoặc văn bản yêu cầu bà N. trả lại đất.

Văn bản này cần nêu rõ: Chị là chủ sở hữu hợp pháp mảnh đất. Việc bà N. sử dụng đất không đúng mục đích là vi phạm pháp luật; đề nghị bà N. trả lại đất trong thời gian cụ thể (ví dụ: 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo).

Bước 2: Yêu cầu hòa giải tại Ủy ban nhân dân (UBND) xã/ phường.

Theo Điều 235 Luật Đất đai 2024, tranh chấp đất đai phải được hòa giải tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện. Do đó, cần gửi đơn yêu cầu hòa giải đến UBND xã nơi có mảnh đất. Trong quá trình hòa giải, chị cần cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh quyền sử dụng đất (sổ đỏ, giấy tờ cho mượn đất nếu có).

Bước 3: Khởi kiện ra Tòa án nhân dân.

Nếu hòa giải không thành, chị có thể nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân cấp Huyện nơi có mảnh đất. Hồ sơ khởi kiện bao gồm: Đơn khởi kiện (nêu rõ yêu cầu bà N. trả lại đất và chấm dứt hành vi sử dụng đất sai mục đích).

Bản sao sổ đỏ, các tài liệu chứng minh quyền sử dụng đất và quá trình tranh chấp (biên bản hòa giải, văn bản cho mượn đất...).

Bước 4: Cơ quan thi hành án buộc trả lại đất.

Sau khi có phán quyết có hiệu lực của Tòa án, nếu bà N. vẫn không trả đất, chị có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế buộc bà N. trả lại đất.

Lưu ý, việc bà N. tự ý đào ao, đắp bờ và sử dụng đất sai mục đích có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 11 Luật Đất đai 2024 và các nghị định liên quan. Chị cần lưu giữ toàn bộ tài liệu liên quan đến mảnh đất và quá trình tranh chấp để bảo vệ quyền lợi của mình.

Giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật miễn phí: 0941.645.680

Hoặc gửi về email: toasoan.phunuphapluat@gmail.com