Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Prudential Việt Nam kinh doanh ra sao dưới thời ông Phương Tiến Minh?

Từ khi ông Tiến Minh đảm nhiệm vai trò CEO, việc kinh doanh bảo hiểm của Prudential Việt Nam có phần kém sắc. Năm 2023, công ty bị Bộ Tài chính chỉ ra loạt sai phạm trong hoạt động bán chéo sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.

Kinh doanh bảo hiểm đi lùi

Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (thuộc tập đoàn tài chính Prudential plc), được thành lập tại Việt Nam vào năm 2011.

Nghiệp vụ của công ty là kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (bao gồm bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe độc lập và bảo hiểm sức khỏe bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ) và kinh doanh tái bảo hiểm.

Hiện ông Phương Tiến Minh đang giữ chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Prudential Việt Nam. Theo giới thiệu trên website, ông Minh có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dịch vụ - Ngân hàng - Tài chính - Bảo hiểm.

Đảm nhận vai trò cao nhất tại Prudential Việt Nam từ tháng 06/2020, ông Phương Tiến Minh từng nắm giữ các vị trí quan trọng tại HSBC. 

Riêng ở Prudential, ông Minh từng giữ vai trò Phó Tổng giám đốc Kinh doanh và Phó Tổng giám đốc Tiếp thị, giúp Prudential phát triển thành công các kênh tiếp thị mới, dẫn dắt sự chuyển đổi và số hóa kênh phân phối.

Prudential Việt Nam kinh doanh ra sao dưới thời ông Phương Tiến Minh?- Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam Phương Tiến Minh.

Về tình hình kinh doanh, trong thời gian ông Minh đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh doanh bảo hiểm của Prudential Việt Nam tăng trưởng đều đặn qua các năm. Năm 2020, doanh thu của công ty tăng 12,6% so với cùng kỳ lên 24.712 tỷ đồng. Đến năm 2022 thì chính thức vượt mức 30.000 tỷ đồng.

Kết thúc nửa đầu năm 2024, Prudential Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 13% so với cùng kỳ xuống còn gần 10.968 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc của công ty giảm 13,2% xuống còn 11.144 tỷ đồng. Xét về cơ cấu doanh thu, mảng chiếm tỉ trọng lớn nhất là bảo hiểm liên kết đầu tư với gần 5.937 tỷ đồng, chiếm 53%. Tuy nhiên, mảng này đã giảm 21,9% so với cùng kỳ.

Đóng góp nhiều thứ 2 vào doanh thu phí bảo hiểm của Prudential Việt Nam là mảng bảo hiểm hỗn hợp với doanh thu gần 4.010 tỷ đồng, chiếm gần 36% và đứng thứ 3 là sản phẩm bổ trợ với gần 914 tỷ đồng, chiếm 8%. 2 mảng này cũng đều sụt giảm so với năm trước.

Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm nhưng chi phí kinh doanh bảo hiểm lại tăng 2,6% lên 12.640 tỷ đồng và chi phí bồi thường tăng 14,3% lên gần 6.832 tỷ đồng đã khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Prudential lỗ gộp 1.672 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 322 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2024, Prudential Việt Nam báo lợi nhuận sau thuế giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2023 xuống còn gần 916 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Prudential Việt Nam liên tục cho thấy sự trồi sụt thất thường trong vòng vài năm trở lại đây.

Năm 2023, dù ghi nhận khoản lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gần 1.300 tỷ đồng nhưng nếu so với mức lãi gộp hơn 10.000 tỷ đồng năm trước, khoản này đã giảm gần 7,7 lần, tương đương "bốc hơi" 87% so với mức đạt được vào năm 2022.

Năm 2021, công ty cũng ghi nhận khoản lỗ gộp 2.591 tỷ đồng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Năm 2020, khoản lợi nhuận này cũng giảm gần 7,4 lần so với năm trước, từ 2.875 tỷ đồng xuống còn 391 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính "đỡ" cho hoạt động kinh doanh chính

Tuy vậy, nhờ hoạt động tài chính, doanh nghiệp này vẫn luôn ghi nhận mức lãi sau thuế dương qua các năm. Tại ngày 30/6/2024, Prudential Việt Nam đang có 34.996 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng 4,4% và 122.259 tỷ đồng vào đầu tư tài chính dài hạn, tăng 4% so với đầu năm.

Về các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, Prudential Việt Nam đang đầu tư gần 17.339 tỷ đồng vào chứng khoán niêm yết và chứng khoán giao dịch trên hệ thống UPCoM.

Phần còn lại là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 1 năm và tạm ứng cho chủ hợp đồng bảo hiểm từ giá trị hoàn lại. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, công ty hiện đang nắm giữ là 495 triệu cổ phiếu.

1-1725871859.png
 

Tại bài viết "Sở hữu vốn tại 3 ngân hàng, Prudential Việt Nam kinh doanh ra sao?" được thông tin trước đó, công ty đang sở hữu cổ phiếu tại 3 ngân hàng là VietinBank, ACB và MB.

Trong 2 năm 2022 và 2023, Prudential Việt Nam ghi nhận mức lãi ròng sau thuế trên 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2022, Prudential Việt Nam báo lãi sau thuế tăng gấp 7,7 lần năm trước, từ 473 tỷ đồng lên 3.637 tỷ đồng.

Năm 2022, Prudential Việt Nam lãi lớn từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhờ triển khai bán bảo hiểm thông qua 8 tổ chức tín dụng ngân hàng (bancassurance) vào năm 2021.

Tuy nhiên, kênh kinh doanh này cũng khiến Prudential Việt Nam vướng vào không ít vấn đề liên quan đến việc khiếu nại, phản ánh của người dân. 

Năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Kết luận thanh tra về việc thanh tra chuyên đề bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nội dung liên quan tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential (Việt Nam). Trong đó chỉ ra nhiều sai phạm liên quan trong hoạt động bancassuarance của doanh nghiệp này. 

Thông tin cụ thể hơn sẽ được đưa tại bài viết "Điểm danh loạt sai phạm trong hoạt động bancassurance của Prudential Việt Nam". 

Nguyễn Thị Thu Hương/ Người Đưa Tin