Chính phủ Thụy Sĩ hôm 18/10 tuyên bố cam kết chắc nịch của quốc gia nổi tiếng trung lập này trong vấn đề trừng phạt Nga dù trước đó đã quyết định thực hiện "hầu hết" chứ không phải tất cả các hạn chế trong gói trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Moscow. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích của Đại sứ Mỹ tại Thụy Sĩ và bị coi là "đáng thất vọng".
Khi các chính phủ phương Tây cố gắng cắt đứt nguồn tài chính của Nga để tài trợ cho cuộc chiến với Ukraine, các quan chức Mỹ đã gây sức ép buộc Thụy Sĩ phải làm nhiều hơn nữa để đóng các lỗ hổng trong cơ chế trừng phạt Nga do quốc gia vùng Alps này đóng vai trò là trung tâm tài chính toàn cầu và trung tâm giao dịch hàng hóa.
Ban Thư ký Nhà nước về Kinh tế (SECO), cơ quan chuyên môn của chính phủ Thụy Sĩ về chính sách kinh tế, bao gồm cả giám sát chế độ trừng phạt, cho biết trong một tuyên bố gửi qua email cho Reuters rằng việc Bern quyết định không thực hiện toàn bộ gói trừng phạt của EU "không có động cơ chính trị".
"Thụy Sĩ cam kết không lay chuyển và rõ ràng sẽ trừng phạt Nga", tuyên bố cho biết. Chính phủ Thụy Sĩ đã phản đối cách diễn đạt yêu cầu các công ty phải ngăn chặn hành vi lách luật thông qua các công ty con của họ "trong khả năng tốt nhất của họ".
"Các công ty sẽ không biết rõ họ phải thực hiện những biện pháp nào", SECO cho biết, đồng thời nói thêm rằng chính phủ sẽ cân nhắc áp dụng một phiên bản của điều khoản này nếu nó chính xác hơn.
Thụy Sĩ áp dụng hầu hết các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga kể từ khi Moscow mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022. Nhưng Thụy Sĩ cũng muốn duy trì chính sách trung lập có từ hơn 200 năm qua của mình.
SECO cho biết Thụy Sĩ đã có phương tiện để truy tố các công ty lách lệnh trừng phạt bằng cách sử dụng các công ty con của họ và đang tích cực thực hiện điều này.
Chính phủ Thụy Sĩ "đang xem xét một số trường hợp mà các công ty Thụy Sĩ bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt thông qua các công ty con của họ ở nước ngoài".
SECO cũng cho biết một vụ việc "đặc biệt nghiêm trọng" đã được chuyển cho các công tố viên, nhưng không nêu chi tiết.
"Quyết định của Hội đồng Liên bang – cơ quan hành pháp cao nhất của Thụy Sĩ không áp dụng toàn bộ các thành phần của gói trừng phạt thứ 14 của EU là đáng thất vọng, và chúng tôi hy vọng quyết định này sẽ có hiệu quả để đóng lỗ hổng mà qua đó các công ty con ở nước ngoài có thể lợi dụng để trốn tránh các lệnh trừng phạt", Đại sứ Mỹ tại Bern Scott Miller cho biết trong một tuyên bố vào ngày 18/10.
Chính phủ Thụy Sĩ đã ghi nhận lời chỉ trích của Đại sứ Miller, SECO cho biết.