Theo đài BBC, bữa ăn bị nghi nhiễm độc được phục vụ tại một trường công lập thuộc chương trình bữa trưa miễn phí dành cho học sinh tiểu học trên toàn quốc. Một nhân viên nấu ăn tại trường được cho là đã phát hiện con rắn chết trong nồi thức ăn, nhưng thay vì hủy bỏ, người này đã gắp ra và tiếp tục phục vụ suất ăn cho khoảng 500 học sinh.
Ngay sau bữa trưa, hơn 100 em bắt đầu có dấu hiệu ngộ độc như buồn nôn, đau bụng và choáng váng. Sự việc khiến người dân địa phương hoảng hốt, một nhóm người đã chặn đường lớn gần trường học để yêu cầu làm rõ trách nhiệm.
Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Ấn Độ (NHRC) đã yêu cầu nhà chức trách nộp báo cáo chi tiết trong vòng hai tuần, đồng thời nhấn mạnh nếu thông tin là chính xác thì đây là "một vi phạm nghiêm trọng quyền con người của trẻ em".

Chương trình "Mid-Day Meal" là một trong những sáng kiến lớn nhất thế giới về bữa ăn học đường, ra đời từ năm 1925 tại Chennai và hiện phục vụ hơn 113 triệu trẻ em từ 6 đến 10 tuổi tại các trường công lập, hoạt động tối thiểu 200 ngày mỗi năm.
Chương trình được kỳ vọng giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng, thúc đẩy tỉ lệ đến trường và giảm bất bình đẳng xã hội trong giáo dục. Tuy nhiên, các vụ bê bối liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm không phải là hiếm.
Năm 2013, một sự cố chấn động từng khiến 23 học sinh ở Bihar tử vong sau khi dùng bữa có chứa dư lượng thuốc trừ sâu. Vụ việc từng khiến chính phủ phải rà soát toàn diện các bếp ăn trường học trên cả nước.
Tổ chức Liên Hợp Quốc ước tính hiện Ấn Độ vẫn có hơn 190 triệu người bị suy dinh dưỡng. Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng mạnh và năng lực sản xuất thực phẩm được cải thiện, vụ việc mới nhất một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết của việc kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng bữa ăn học đường.
Hiện tình trạng sức khỏe của các học sinh bị ngộ độc đang được theo dõi sát sao. Nhà chức trách cho biết sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện có sai phạm.