Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Sợi Thế Kỷ: Giảm giá để hút đơn hàng, đặt kỳ vọng vào mùa World Cup

Theo ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ, sự kiện World Cup 2026 sẽ là một yếu tố thúc đẩy gia tăng nhu cầu về quần áo thời trang thể thao.

Cơ sở nào cho kế hoạch tham vọng?

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra sáng nay (28/3) của Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK), ban lãnh đạo doanh nghiệp đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 3.270 tỷ đồng, tăng 270% so với mức thực hiện năm 2024, lợi nhuận sau thuế mục tiêu 310 tỷ đồng, cao gấp 25 lần.

Không chỉ cao hơn mức thực hiện năm 2024, kế hoạch của STK cho năm 2025 cũng cao hơn so với mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra cho năm 2024 mà không thể hoàn thành. Trình bày về cơ sở thực hiện kế hoạch năm 2025, ông Triệu Đặng Hoà, Phó tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc STK cho biết các khó khăn của năm 2024 đang dần được giải quyết, nhà máy Unitex dự kiến đi vào hoạt động thương mại sau khi hoàn tất nghiệm thu đưa vào sử dụng, mở rộng công suất thêm 60%, Iên 99,300 tần/năm.

Về khả năng nhu cầu phục hồi trong nửa cuối 2025, ông Đặng Triệu Hoà cho biết hàng tồn kho của các thương hiệu thời trang đang trên đà tích trữ thêm và nhu cầu đối với hàng may mặc và giày dép đang dần phục hồi ở các thị trường chủ chốt như Mỹ, EU. Các khách hàng trực tiếp phát tín hiệu mạnh mẽ hơn về khả năng đặt hàng với khối lượng lớn hơn.

“Ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang làm việc trực tiếp với công ty để tìm hiểu khả năng mua hàng trực tiếp hoặc chỉ định công ty là nhà cung cấp gián tiếp. Ngoài ra, sự kiện World Cup 2026 sẽ là một yếu tố thúc đẩy gia tăng nhu cầu về quần áo thời trang thể thao. Trong chuỗi cung ứng thì các khâu sợi và dệt sẽ phải thực hiện trong năm 2025 (quý II, quý III) và một số đơn hàng phát sinh tăng thêm vào quý IV nếu có để sau đó may mặc, vận chuyển, phân phối đến thị trường vào mùa 2026”, ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ cho biết.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiết lộ sẽ chủ động giảm giá để thu hút thêm đơn hàng khi nhu cầu đang phục hồi.

Hé lộ về kết quả kinh doanh quý I, ông Đặng Triệu Hoà cho biết doanh thu ước tính khoảng 380 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận gộp tính riêng 2 tháng đầu năm đạt 57,3 tỷ đồng.

Đánh giá về kết quả này, Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ cho biết nếu so sánh với cùng kỳ, mức độ tăng trưởng đạt khá mạnh, nhưng không phải do quý I quá tốt, mà do mức nền thấp của cùng kỳ. Tuy nhiên, so với quý IV/2024, kết quả của Sợi Thế Kỷ đã khả sắc hơn và dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong quý II và quý III sắp tới.

Cạnh tranh thế nào với đối thủ trong nước và nước ngoài?

Tại ĐHĐCĐ thường niên, cổ đông của Sợi Thế Kỷ đã đặt vấn đề về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp với các nhà máy sợi có vốn FDI và các công ty sợi Trung Quốc. Theo đó, ban lãnh đạo cho biết việc cạnh tranh là không thể tránh khỏi trên thương trường, tuy nhiên chiến lược cạnh tranh của Sợi Thế Kỷ lại diễn ra hơi chậm trong năm 2023, 2024, do đó chưa thực sự hoàn toàn cạnh tranh trực diện với đối thủ.

“Từ quý I/2025, Sợi Thế Kỷ đã có chiến khác để tăng khả năng cạnh tranh. Trong nước, đối thủ cạnh tranh là doanh nghiệp FDI có thể kể đến Formosa, Far Eastern Polytex. Lợi thế của Sợi Thế Kỷ là sản phẩm mới, đi trước đối thủ, tuy nhiên vẫn có khả năng bị những doanh nghiệp đi sau sao chép sản phẩm. Với đối thủ từ Trung Quốc, các doanh nghiệp này luôn bán phá giá và ngày càng quyết liệt, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đầu ngành ở các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam và Sợi Thế Kỷ”, ông Đặng Triệu Hoà cho biết.

Theo ông, Trung Quốc cạnh tranh rất mạnh về giá ở các sản phẩm phổ thông nhưng không có sản phẩm chuyên môn hóa như Sợi Thế Kỷ, do đó không có cạnh tranh trực diện. 

Được biết, một số doanh nghiệp trong nước như Formosa đã đưa đơn lên Bộ Công Thương để áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm sợi từ Trung Quốc. Năm 2025, Sợi Thế Kỷ cũng nộp đơn lên Bộ Công Thương để điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá cao hơn đối với hàng nhập khẩu.

Về lợi thế của nhà máy Unitex, ông Hoà cho biết nhà máy có khả năng tự động hoá, công nghệ mới, cần ít nhân công hơn, nhưng đây không phải những điểm mấu chốt, mà phải kết hợp với các nhà máy còn lại của Sợi Thế Kỷ, để tạo nên bài toán cân bằng, tối hưu và nâng cao năng lực của cả doanh nghiệp.

Hải Đường/VNF