Theo tờ Khaosod English, vụ việc được phát hiện khi bà Paveena Hongsakul – Chủ tịch Quỹ Paveena vì Trẻ em và Phụ nữ – cùng cơ quan chức năng nhận đơn phản ánh từ hiệu trưởng một trường học ở tỉnh Uttaradit, miền Bắc Thái Lan.
Khi đến kiểm tra ngôi nhà gỗ cấp 4 nơi em sinh sống, lực lượng chức năng phát hiện cậu bé đang sống cùng mẹ và anh trai 23 tuổi. Điều gây sốc là cậu bé không thể nói chuyện như bình thường, mà chỉ phát ra âm thanh giống tiếng sủa.

“Cháu không nói được câu nào, chỉ sủa như chó. Đó là cảnh tượng vô cùng đau lòng”, bà Paveena kể lại.
Được biết, suốt nhiều năm qua, cậu bé không được đi học và cũng không tiếp xúc với người lạ. Người mẹ 46 tuổi và anh trai đều nghiện ma túy, thường xuyên bỏ em ở nhà một mình với sáu con chó. Bất chấp việc hàng tháng vẫn nhận trợ cấp giáo dục khoảng 400 baht (tương đương 300.000 đồng) từ chính phủ, người mẹ không đưa con đến trường.
Hàng xóm cho biết họ đều biết tình cảnh đáng thương của em bé, nhưng vì gia đình có hành vi bất thường nên không ai dám cho con mình tiếp xúc. Cậu bé lớn lên hoàn toàn trong sự cô lập với con người, chỉ gắn bó và học theo hành vi của đàn chó.
“Đây là khu vực phức tạp, liên quan đến ma túy. Bé trai lớn lên không có ai bên cạnh, ngoài đàn chó để chơi và sống cùng”, một giáo viên địa phương chia sẻ.
Ngày 26/6, sau khi đột kích kiểm tra, giới chức phát hiện cả người mẹ và anh trai cậu bé đều dương tính với ma túy. Họ bị buộc tội sử dụng chất cấm và đưa đi cai nghiện. Cậu bé lập tức được đưa vào trung tâm chăm sóc trẻ em để nhận sự hỗ trợ cần thiết.
Theo bà Paveena, cậu bé hiện đã được tách khỏi môi trường nguy hiểm và bắt đầu quá trình phục hồi cả thể chất lẫn tâm lý. “Cháu sẽ có cơ hội để bắt đầu lại một cuộc sống đúng nghĩa. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao và đảm bảo em được đi học, được chăm sóc như mọi đứa trẻ khác”, bà khẳng định.
Vụ việc khiến nhiều người nhớ đến trường hợp xảy ra ở Ấn Độ vào năm 2017, khi một bé gái 8 tuổi được tìm thấy trong khu rừng tại Uttar Pradesh. Bé gái sống giữa bầy khỉ, mang theo nhiều vết thương và có hành vi giống hệt loài linh trưởng.
Theo ông Ankur Lal, giám đốc Sở Y tế huyện Bahraich, em không biết nói, không biết cách đi vệ sinh và có biểu hiện như đã sống trong rừng suốt một thời gian dài. Cô bé sau đó được đặt tên là Ehsaas và chuyển đến trung tâm từ thiện để phục hồi chức năng.
Những vụ việc đau lòng như trên đã đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh về sự thiếu giám sát trong việc chi trả trợ cấp xã hội, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc phát hiện, hỗ trợ và bảo vệ trẻ em kịp thời.