Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Sửa bill chuyển tiền từ thiện để “phông bạt”: Vi phạm nghiêm trọng đạo đức, pháp luật

Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc sửa bill chuyển tiền từ thiện rồi đăng lên mạng xã hội để "phông bạt" khoe mẽ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.

Phát hiện nhiều hình ảnh “làm màu”

Ngày 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã đăng tải 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3, với tổng số tiền lên tới 527,8 tỷ đồng.Việc làm trên nhằm bảo đảm tính minh bạch, giúp tất cả mọi người có thể theo dõi toàn bộ việc ủng hộ trong thời gian qua. Hiện tại, Ban Vận động cứu trợ trung ương cũng đã đăng tải cụ thể danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ qua số tài khoản từ ngày 1/9 đến ngày 10/9/2024.

Động thái này đã được ủng hộ từ cộng đồng, nhưng cũng từ đây, nhiều người đã phát hiện ra trò chỉnh sửa hình ảnh của một số cá nhân để "thổi phồng" số tiền đã ủng hộ, nhằm “phông bạt” tên tuổi trên mạng xã hội.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đăng tải 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đăng tải 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Một ví dụ điển hình là một cá nhân đã chuyển khoản món tiền kèm nội dung ủng hộ khắc phục hậu quả bão số 3 Yagi. Người này sau đó chụp màn hình giao dịch chuyển tiền, dùng các ký tự che đi các con số cụ thể, chỉ để lộ ra một phần rất nhỏ trên đỉnh đầu. Những người theo dõi tài khoản Facebook của cô đếm có tới 8 vị trí bị che, tương ứng với 8 con số (do mỗi biểu tượng đều để lộ một phần chi tiết thể hiện có ký tự số tại vị trí bị che), đồng nghĩa số tiền đã chuyển "được hiểu là hàng chục triệu đồng".

Sau khi có sao kê từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng nhanh chóng truy ra giao dịch với thông tin trùng khớp, tuy nhiên số tiền thực tế là 500.000 đồng. Từ việc trên khiến không ít cộng đồng mạng bức xúc, tố cô gái này "làm màu, phông bạt" và lợi dụng việc ủng hộ đồng bào đang gặp thiên tai để "đánh bóng tên tuổi".

Một trường hợp khác cũng bị tố giác nhanh chóng là nhân vật tên T.D.A - hoạt động trong lĩnh vực "đầu tư tiền điện tử" đăng lời kêu gọi những người trong cộng đồng và bạn bè cùng ủng hộ người dân vùng chịu thiên tai. Cùng với bài viết, A đính kèm ảnh chụp màn hình chuyển khoản tới MTTQ Việt Nam khoản tiền 100 triệu đồng. Sau khi có sao kê từ MTTQ , cộng đồng nhanh chóng truy ra giao dịch 10.000 đồng... Một tiktoker nổi tiếng với nội dung sáng tạo cùng chú chó của mình đã phải đăng clip xin lỗi vì hành vi "phông bạt" đăng ảnh chuyển khoản không đúng với số tiền ủng hộ.

Còn hàng loạt các trường hợp chỉnh sửa bill để "phông bạt, làm màu" nhằm "đánh bóng tên tuổi" trên mạng xã hội được cộng đồng mạng nhanh chóng "soi" ra. 

“Vi phạm nghiêm trọng đạo đức, pháp luật"

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV ĐS&PL, TS.LS Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tấm lòng với bà con vùng lũ ít hay nhiều phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người, không ai chê trách từ thiện nhiều hay ít miễn là từ tâm. Nếu sửa biên lai chuyển tiền, photoshop biên lai để thể hiện tăng số tiền từ thiện thì không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Cường, từ thiện, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn, thiên tai bão lũ là truyền thống tốt đẹp bao đời của người Việt Nam. Tuỳ vào điều kiện, hoàn cảnh, gọi là "tấm lòng" của mỗi người mà mức đóng góp, ủng hộ của mỗi người dân với từng chương trình lại khác nhau.

TS.LS Đặng Văn Cường.

TS.LS Đặng Văn Cường.

"Sẽ không ai nghĩ rằng người này góp nhiều thì có tấm lòng lớn hơn người góp ít, góp bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người. Không ai khuyến khích việc đóng góp quá với khả năng, điều kiện, người có tâm chân thành cũng không bao giờ nghĩ rằng mình đóng góp số tiền lớn để từ thiện thì mình có tâm lớn hơn người khác", luật sư Cường nêu quan điểm.

Luật sư Cường nhấn mạnh, tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện một số hiện tượng đóng góp từ thiện thì ít nhưng lại chỉnh sửa biên lai chuyển tiền theo hình thức sửa ảnh (photoshop) để thêm các số không (0) thể hiện tăng giá trị số tiền đóng góp thiện nguyện.

"Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, phân phát, có thể gây ra những nghi ngờ lẫn nhau giữa những người đóng góp và người tiếp nhận quản lý tiền, gây ra dư luận xấu nên hành vi này rất đáng trách, rất đáng lên án. 

Hành vi sửa bill chuyển tiền của người đóng góp từ thiện không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đại đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, đó là hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật. Tuỳ thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà người sửa bill chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường nhấn mạnh.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Cường cho hay, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa bill chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt đống thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi làm bill giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ theo quy định tại Điều 331 BLHS.

Còn trường hợp hành vi làm giả bill chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5-10 triệu đồng với cá nhân.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...

"Việc Mặt trận tổ quốc Việt Nam công khai sao kê, thông tin tài khoản chuyển tiền và chi tiết số tiền từ thiện của các tổ chức cá nhân là cần thiết, thể hiện công khai minh bạch và phù hợp với quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính Phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng đóng góp các khoản đóng góp tự nguyện… Bởi vậy ngoài việc kêu gọi tiếp nhận từ thiện thì cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động thiện nguyện mà trực tiếp là Nghị định số 93/2021/NĐ-CP. Các tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động từ thiện và tham gia đóng góp thiện nguyện đều phải tuân thủ pháp luật và đạo đức xã hội", luật sư Cường nhấn mạnh.

Khánh Ngân - Nguyễn Lân/Người đưa tin