Hơn 10 năm xóa mù chữ cho em nhỏ
Hơn 10 năm qua, tiếng đánh vần của các em nhỏ lớp học tình thương trên địa bàn thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, vẫn đều đều vang lên. Lớp học do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Bến Lức trực tiếp giảng dạy. Học trò của lớp đa phần là con của công nhân đang làm việc trong các công ty, xí nghiệp trên địa bàn của huyện Bến Lức. Quê quán từ nhiều tỉnh khác nhau như Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu,... do điều kiện kinh tế khó khăn, các em xa quê nhà theo cha mẹ đến Bến Lức mưu sinh. Con đường đến trường vì thế cũng dở dang.
Theo Báo Long An, năm 2012, lớp học tình thương được thành lập tại nhà trọ Duy Quý (thị trấn Bến Lức), trở thành nơi các em đến tìm chữ. Sau nhiều lần thay đổi địa điểm học tập, năm học 2024-2025, lớp học được chuyển đến Trường Tiểu học Thuận Đạo (khu phố 6, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức). Trong thời gian đầu, chỉ vài em theo học, tình nguyện đứng lớp khi đó là một giáo viên đã nghỉ hưu. Năm 2013, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Bến Lức phối hợp tham gia trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Nhờ tích cực vận động, tuyên truyền gia đình cho các em theo học để xóa mù chữ và tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ, hiện tại, lớp có 72 em theo học với 5 lớp (lớp 1 đến lớp 5), độ tuổi từ 7-15 tuổi.
Đại úy Trần Văn Cảnh chia sẻ, thời gian đầu nhận lớp gặp nhiều khó khăn về kỹ năng sư phạm nhưng nhờ sự động viên, quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chỉ huy đơn vị, sự chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy từ giáo viên các trường học trên địa bàn, nhất là phụ huynh tin tưởng cho con em theo học, lớp học ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực. Các em từ chưa biết đọc, biết viết nay đã đọc, viết thành thạo và biết làm toán. “Đó là động lực để những người "thầy giáo" quân hàm xanh tiếp tục đồng hành cùng các em trên con đường học tập, xóa mù chữ” - Đại úy Trần Văn Cảnh nói .
Từ năm 2012 đến nay, các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đứng lớp giảng dạy tại các lớp học tình thương với 1.154 học sinh. Tất cả các em đều được công nhận xóa mù chữ. Hiện các đơn vị phối hợp tổ chức dạy 11 lớp/124 học sinh từ 7-17 tuổi, từ lớp 1 đến lớp 5. Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên vận động nhà hảo tâm, đoàn thiện nguyện trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cơ sở vật chất, quà tặng, khen thưởng, dụng cụ học tập, quần áo, giày dép cho các em; phối hợp ngành Giáo dục của địa phương hỗ trợ chuyên môn và xác nhận kết quả học tập của các em.
Thầy giáo trẻ đem chữ đến vùng biên giới
Có người thầy khác đặc biệt không kém, đó là “thầy giáo quân hàm xanh” Võ Thành Tài (24 tuổi) - chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.
Đều đặn vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, góc trường Tiểu học và THCS Tuyên Bình lại sáng đèn. Thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, các em học sinh nơi đây còn phải tất bật với gánh nặng cơm áo gạo tiền, giấc mơ đến trường đối với các em nhỏ quả thật là rất xa vời.
Chiến sĩ Võ Thành Tài, Đồn Biên phòng Tuyên Bình tâm sự với Báo Công lý & Xã hội: “Tôi được phân công nhiệm vụ hướng dẫn các em học tập hơn 4 tháng nay, phần lớn các em là người dân di cư tự do từ Campuchia về các em đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn không có điều kiện để đi học. Bên cạnh việc học, chúng tôi còn dạy các em cách sống, cách ứng xử và pháp luật của Việt Nam. Thông qua lớp học này tôi mong muốn mang sức trẻ của mình gửi đến các em những hành trang vững chắc để các em làm người có ích sau này”
Hiện thầy Tài phụ trách lớp có trình độ từ lớp 2 đến lớp 5 với hơn 20 học sinh. Lứa tuổi của các em cũng không đồng đều, có học sinh 16 tuổi nhưng mới học lớp 3. Trong lớp cũng có những bạn nghịch phá, chưa ngoan và chậm tiến bộ. Thầy Tài phải hoạt động “hết công suất” để vừa “đối phó”, vừa giảng bài tường tận cho từng em. Vất vả là vậy nhưng thầy không xem đó là khó khăn mà là thử thách để mình cố gắng hơn nữa trong sứ mạng mang con chữ đến với các em.
Lớp học tình được thành lập từ năm 2012, đến nay có hơn 50 học sinh với 2 lớp gồm trình độ từ lớp 1 đến lớp 5. Trong đó, 1 lớp trình độ lớp 1 có 30 học sinh và do 2 chiến sĩ phụ trách; 1 lớp trình độ lớp 2 đến lớp 5 với hơn 20 học sinh, do chiến sĩ Võ Thành Tài phụ trách. Tiêu chí lựa chọn các chiến sĩ phụ trách lớp học tình thương là trên tinh thần tự nguyện, yêu quý trẻ và cảm thông cho hoàn cảnh các em. Do đó, khi phụ trách lớp, các chiến sĩ rất nhiệt tình trong việc dạy chữ và dạy làm người cho các em.