Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tăng cường hiệu quả quản lý về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân

Mục đích ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về năng lượng nguyên tử, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân.
Tăng cường hiệu quả quản lý về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về năng lượng nguyên tử  

Tại phiên thảo luận Quốc hội ở hội trường ngày 15/5 về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất với việc cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về năng lượng nguyên tử để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành...

Sau 17 năm triển khai thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 (được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 3/6/2008 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 đã bộc lộ bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý, chưa có sự tương thích với một số luật mới ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu nội luật hóa liên quan đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên... 

TIN LIÊN QUANViệt Nam cam kết đóng góp tích cực vào văn hóa an ninh hạt nhânViệt Nam kêu gọi phối hợp hành động bảo đảm an ninh hạt nhânKhai mạc Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhânKhai mạc Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân

Vì vậy, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Mục đích ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về năng lượng nguyên tử, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử; góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó. Luật được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.

Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) gồm 12 chương, 73 điều (giảm 20 điều tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008). 

Dự thảo đã bám sát 4 chính sách đã được Chính phủ cơ bản nhất trí tại Nghị quyết số 240/NQ-CP ngày 17/12/2024 tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2024, cụ thể: Thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý Nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Bộ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học.

Quan tâm đến chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết ban hành luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về năng lượng nguyên tử, đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật khác có liên quan. Hoàn thiện cơ sở pháp lý về năng lượng nguyên tử để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành. 

Tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phát triển bền vững ứng dụng năng lượng điện tử, thực hiện cam kết nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam. 

Tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển năng lượng nguyên tử, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, đưa đất nước phát triển, bứt phá giàu mạnh, đạt được các mục tiêu đề ra trước mắt và lâu dài.

Cho ý kiến vào dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội (Đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã đổi mới trong tư duy xây dựng pháp luật, bám sát vào các chính sách khi sửa đổi dự án luật.

Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem lại phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với nội hàm của dự thảo luật do hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử có phạm vi điều chỉnh quá rộng, vượt quá nội hàm của dự thảo luật.

Quan tâm đến chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân được quy định tại Điều 30, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định về pháp luật đầu tư thì thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến, việc phân cấp, phân quyền như dự thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng, bởi dự án nhà máy điện hạt nhân là dự án rất quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ tác động môi trường, kinh tế - xã hội, vấn đề giải phóng mặt bằng và cần nguồn vốn rất lớn… đều thuộc tiêu chí của dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội.

Tuy nhiên, nếu theo trình tự thủ tục đầu tư và trình Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì mất nhiều thời gian hơn khi giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, dẫn đến nhiều khi bị mất cơ hội đầu tư.

Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, đối với những dự án điện hạt nhân có quy mô về công suất không lớn có thể phân cấp, phân quyền cho Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ về quy mô công suất của nhà máy điện hạt nhân để phân cấp, phân quyền cho hợp lý.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các ĐBQH đánh giá cao sự tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, dự án Luật có nhiều nội dung mới, chuyên sâu về kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ.

Những ý kiến của các ĐBQH đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo và cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại Tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

 

Hải Liên/ Cổng TTĐT Chính phủ