Thông tin mới nhất mà PV nhận được, Công an huyện Hưng Hà, Thái Bình đang điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp 1 Trưởng thôn vì đã lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người dân.
Tin tức cập nhật từ cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, cơ quan này đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Phòng (1968) - Nguyên Trưởng thôn Hú, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà để điều tra về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 2 Điều 355 Bộ luật hình sự.
Được biết, các Quyết định và Lệnh nêu trên đã được Viện kiểm sát nhân dân huyện Hưng Hà phê chuẩn.
Kết quả điều tra của công an huyện Hưng Hà cho thấy, khi ông Phòng còn là Trưởng thôn Hú các năm 2016, 2017, phía UBND xã quyết toán chi trả tiền cho người dân bị thiếu đất ruộng cơ bản.
Vì là Trưởng thôn, ông Phòng đi nhận tiền nhưng sau đó về không thông báo lại chi chi bộ, cũng không thực hiện việc đưa lại số tiền cho người dân trong thôn mà chiếm đoạt toàn bộ tài sản này.
Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản có thể bị xử lý hình sự với hình phạt tù cao nhất là chung thân.
Cụ thể, Điều 355, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản như sau:
1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.