Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thấy con dâu có biểu hiện lạ, bố chồng đổi cách xét nghiệm ADN thì lộ ngay sự thật bất ngờ phút cuối

"Tôi rất mong có cháu, nhưng không phải bằng cách này", lời người bố chồng.

Ông Sáng (một người dân ở tỉnh thuộc miền Bắc) chia sẻ với Đời sống và Pháp luật, con trai ông kết hôn đã 4 năm nhưng chưa có con. Khi được hỏi, hai vợ chồng đều nói do công việc xa nhau nên chưa thuận lợi sinh con. Con trai ông đi công tác xa, còn con dâu làm việc ở Hà Nội, cách nhà chồng vài chục cây số và thuê trọ ở riêng.

Bất ngờ, một ngày con trai gọi điện về thông báo vợ đã có thai được vài tháng khiến vợ chồng ông Sáng vui mừng. Biết con dâu mang thai, ông bà ngỏ ý lên thăm nom nhưng bị từ chối nhiều lần. Nghi ngờ tăng lên khi ông bà quyết định đến tận nơi thì phát hiện con dâu đã âm thầm chuyển trọ. Vợ chồng ông Sáng phải dò hỏi mới tìm được chỗ ở mới của con dâu. Khi đến nơi, họ ngỡ ngàng phát hiện con dâu đã sinh con trước ngày dự sinh một tháng.

“Vợ tôi cũng để ý thấy con dâu không giống người mới vừa sinh con xong. Điệu bộ, thái độ ấp úng của con dâu khiến chúng tôi càng nghi ngờ”, ông Sáng kể.

Sau khi trở về nhà, ông bàn bạc với con trai và quyết định làm xét nghiệm ADN. Con trai ông cũng vui vẻ đồng ý.

Ông Sáng tới Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội đăng ký xét nghiệm ADN quan hệ huyết thống bố con. Tuy nhiên, sau khi ghi xong ông lại xé bỏ tờ đăng ký. Ông Sáng hỏi tư vấn viên có thể xét nghiệm quan hệ ông – cháu được hay không?

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội, cho biết khi mang mẫu đến, ông Sáng tỏ ra rất đắn đo.

“Tôi hỏi: ‘Ông không tin cả con trai mình sao?’, ông chỉ im lặng và đề nghị làm xét nghiệm thật chính xác”, bà Nga nhớ lại.

Kết quả xét nghiệm khẳng định đứa trẻ không có quan hệ huyết thống với ông Sáng. Khi nhận kết quả, ông Sáng nói: “Tôi biết trước điều này rồi. Tôi rất mong có cháu, nhưng không phải bằng cách này”.

Ông cũng tiết lộ lý do thay đổi mẫu, chuyển sang xét nghiệm huyết thống ông - cháu vào 'phút chót' là vì lo ngại mẫu có thể bị đánh tráo.

Một thời gian sau, ông Sáng có liên lạc với bà Nga để nói rõ sự thật. Hóa ra con dâu ông bị vô sinh và chưa từng sinh con. Đứa trẻ được con dâu ông nhận nuôi. Mẫu xét nghiệm ban đầu do con dâu cung cấp cũng đã bị đánh tráo bằng mẫu của bố ruột đứa bé.

Theo bà Nga xét nghiệm ADN giữa ông và cháu cho kết quả chính xác tới 99,99%, miễn là mẫu được lấy đúng quy trình. Tuy nhiên, mọi người cũng cần lưu ý rằng không nên tự lấy mẫu tại nhà nếu không được hướng dẫn kỹ lưỡng, tránh sai sót ảnh hưởng kết quả. Ngoài ra, mẫu xét nghiệm phải được lấy riêng cho từng người, bảo quản đúng cách, có ghi thông tin rõ ràng.

Xét nghiệm ADN không chỉ là công cụ khoa học mà trong nhiều trường hợp còn là "tấm gương" soi rõ sự thật sau những mối quan hệ gia đình tưởng như bền chặt. Với trường hợp của ông Sáng, kết quả xét nghiệm ADN đã giúp ông vạch trần sự dối trá của con dâu, bà Nga cho hay.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Cơ sở khoa học để xét nghiệm ADN huyết thống

Đối với tế bào của người, DNA nằm trên những nhiễm sắc thể trong nhân (gọi là DNA nhân). Bộ gen của con người có 23 cặp NST trong đó có 22 cặp NST thường và 1 cặp NST giới tính. Nam giới có cặp NST giới tính XY liên kết với nhau, còn ở nữ giới là XX. Xét nghiệm nhận dạng cá thể người chủ yếu được thực hiện bằng cách sử dụng các marker DNA nằm trên các NST trong nhân tế bào và trên NST Y (di truyền theo dòng cha). Còn xác định giới tính bằng cách sử dụng các marker trên NST giới tính.

Các gen trên DNA trong cặp NST quy định các tính trạng khác nhau của cơ thể. Nó được duy trì trong mỗi thế hệ và được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con cái bao giờ cũng thừa hưởng các đặc tính di truyền thông qua 23 NST từ tinh trùng của bố và 23 NST từ tế bào trứng của mẹ. Đó là cơ sở để xác định quan hệ huyết thống ở người.

Xét nghiệm ADN có chính xác không?

Xét nghiệm ADN là cách xác minh mối quan hệ huyết thống chính xác nhất hiện nay. Xét nghiệm ADN huyết thống thường cần trong những trường hợp nhận con nuôi, thụ tinh trong ống nghiệm hoặc vì lý do cá nhân. Xét nghiệm này nhằm mục đích chứng minh một người đàn ông có phải là cha ruột của đứa trẻ nào đó hay không. Quá trình được thực hiện bằng cách so sánh thông tin ADN cá nhân của đứa bé với ADN cá nhân người đàn ông được cho là cha. Mỗi thông tin ADN cá nhân bao gồm 16 gene marker.

Đối tượng tham gia trong xét nghiệm ADN xác minh quan hệ cha con bao gồm đứa trẻ và người được cho là cha ruột. Sự tham gia của người mẹ làm tăng độ chính xác của kết quả nhưng không bắt buộc. Nếu các mẫu ADN của mẹ, con và bố nghi vấn khớp với nhau trong từng gene thì độ chính xác khẳng định có quan hệ huyết thống đạt từ 99.999% đến 99,9999%, khi đó kết luận người đàn ông chính là cha ruột của đứa trẻ. Ngược lại, 2 hai mẫu ADN của người con và bố nghi vấn không khớp với nhau từ 2 gene trở lên thì kết luận 100% người đàn ông này không phải là cha của đứa trẻ.

Thực tế, xét nghiệm huyết thống cha con có thể thực hiện được mà không cần sự hiện diện của người mẹ. Nếu như các mẫu ADN của bố nghi vấn và con không khớp với nhau thì loại trừ hoàn toàn khả năng người đàn ông đó là bố của đứa bé. Nếu các mẫu khớp với nhau thì có thể khẳng định người đàn ông đó chính là cha ruột.

Xét nghiệm huyết thống có thể tiến hành với nhiều loại tế bào như máu, tế bào má, mẫu mô, móng tay, chân tóc, cuống rốn... Tất cả có cùng độ chính xác như nhau, vì mọi tế bào trong cùng một cơ thể đều có cùng một loại ADN. Người yêu cầu xét nghiệm có thể tự lấy mẫu theo sự hướng dẫn của các chuyên gia. Đó có thể là mẫu nước bọt, móng tay hoặc móng chân, từ 3 đến 5 chân tóc (không phải tóc cắt bằng kéo), cuống rốn, bàn chải đánh răng, bao cao su và nhiều vật thể khác tùy theo trường hợp.

Trẻ con có thể tham gia giám định ADN từ khi chưa sinh ra, như vậy không có giới hạn nào về tuổi khi xét nghiệm huyết thống. Có thể thực hiện xét nghiệm ADN với một lượng mẫu rất nhỏ, chẳng hạn như dùng 1/4 giọt máu hoặc một đầu tăm bông chứa các tế bào trong miệng, một mẩu nhỏ cuống rốn đã rụng. Để xét nghiệm trước khi sinh có thể dùng nước ối có chứa các tế bào của thai nhi mới 3 tháng.

 

Mỹ Anh (t/h)