Sáng nay (11/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng là "tư lệnh" ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV.
Với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội tập trung chất vấn việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động…
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tham gia giải trình các vấn đề liên quan.
Hàng loạt câu hỏi liên quan đến quản lý thị trường vàng: tác động của các giải pháp bình ổn đến giá vàng và thị trường vàng, khi có nhu cầu bán vàng ở đâu, thành lập sàn giao dịch vàng, phối hợp giữa các bộ ngành trong quản lý thị trường vàng... đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra.
Đưa tin từ kỳ họp tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội, báo Thanh Niên dẫn băn khoăn về thị trường vàng của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) rằng, trong báo cáo về thị trường vàng có nêu một trong những tồn tại, hạn chế là chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành tiền mặt để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
"Vàng trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế", bà Thanh chất vấn.
Trả lời chất vấn này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chúng ta chống vàng hóa, đô la hóa thì không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Giá trị vàng rất lớn nhưng khi nắm giữ có nghĩa là số tiền đấy người dân không sử dụng được.
"Tiền đó chuyển hóa ra tiền mặt có cơ hội kinh doanh, đầu tư lĩnh vực khác như cho vay sản xuất kinh doanh hay đầu tư cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán... phục vụ sản xuất kinh doanh", bà Hồng cho hay.
Chính sách của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, không khuyến khích người dân trữ vàng, nhất là vàng miếng vì giá trị cao. "Vì vậy, có chính sách nhà nước độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ kinh doanh mua bán vàng", bà Hồng nói.
Cũng theo Thống đốc, để không khuyến khích người dân mua vàng, như kinh nghiệm các nước có nhiều giải pháp, Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá tổng kết nghị định 24 để có giải pháp hạn chế nắm giữ vàng.
Trên báo Người lao động có đưa ý kiến Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) chất vấn về biến động thị trường vàng trong nước thời gian qua là do chịu tác động từ giá thế giới, cung cầu nhưng không loại trừ có yếu tố thao túng thị trường, vi phạm quy định liên quan về thuế, cạnh tranh, đẩy giá vàng lên cao.
"Trong khi đó, thị trường vàng có nhiều bộ ngành tham gia quản lý nên hiệu quả quản lý chưa cao. Đề nghị Thống đốc cho biết giải pháp trong thời gian tới" - Đại biểu Trần Thị Thanh Hương đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết quản lý thị trường vàng trong thời gian qua đã được các bộ, ngành phối hợp với nhau. Ngân hàng Nhà nước nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Ngay khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện bình ổn thị trường vàng đã mời các bộ, ngành tham gia họp, trong đó có Bộ Công an để hỗ trợ nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi khi Ngân hàng Nhà nước tham gia can thiệp thị trường".
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước tham mưu về chính sách quản lý thị trường vàng.
Nhiều ý kiến chất vấn xác đáng khác cũng đã được gửi tới Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.